Author Archives: Nguyễn Thị Ngọc Lan

Cách làm bơ hạt điều đơn giản

Lớp bơ mềm mại, mịn màng hòa quyện với hương vị béo thơm và bùi bùi từ hạt điều. Bên cạnh đó, món bơ này còn mang vị mằn mặn từ muối và thơm ngon từ dầu ăn.

Bạn cần 200g hạt điều tươi có độ giòn và chắc, khi cắn vào sẽ cảm nhận được vị béo ngậy và độ giòn tan trong miệng; 2 muỗng canh dầu ăn; 1/2 muỗng cà phê muối.

Hạt điều sau khi mua về, hãy rửa thật sạch rồi phơi khô ráo.

Cho hạt điều vào nồi hoặc chảo rồi rang trên lửa nhỏ cho đến khi hạt điều hơi xém lại.

Xay nhuyễn hạt điều đã rang. Khi hạt điều có vẻ mịn màng và có hơi sánh lại, cho muối và dầu ăn vào; tiếp tục xay cho đến khi hỗn hợp sệt lại.

Thế là đã hoàn thành xong món bơ hạt điều siêu béo ngậy với công thức cực kỳ dễ dàng. 

Nếu bạn đang trong chế độ ăn kiêng hay ăn chay, thì việc kết hợp bơ hạt điều cùng với bánh mì nguyên cám hay sandwich sẽ là một sự lựa chọn tuyệt vời. Ngoài ra, bạn có thể trộn bơ hạt điều cùng salads hay làm nước chấm gỏi cuốn cũng rất ngon. (Theo Phụ Nữ Mới/Ảnh: Internet)

Top 6 mặt hàng nông sản Việt Nam dự kiến xuất khẩu chủ lực trong nửa cuối 2023

Xuất khẩu gạo, rau quả, điều, cà phê tăng tương ứng 34,7%, 64,2%, 7,7%, 3% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó xuất khẩu gạo và rau quả gia tăng đột biến.

Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) đã công bố kết quả phát triển thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam nửa đầu 2023 và định hướng xuất khẩu trong nửa cuối 2023.

Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân được xác định là do tình hình suy thoái kinh tế chung trên toàn cầu, lạm phát cùng với hàng tồn kho nhập từ 2022 vẫn còn tại nhiều thị trường trọng điểm khiến đơn hàng xuất khẩu nông-lâm-thủy sản giảm.

Tuy nhiên, bên cạnh sự suy giảm xuất khẩu của nhóm hàng lâm sản, thủy sản với tỷ lệ tương ứng 28,2% và 27,4% so với cùng kỳ năm 2022, nhiều doanh nghiệp trong nước đã tận dụng tốt cơ hội để gia tăng xuất khẩu vào Trung Quốc và một số quốc gia khác, khi các nước này đẩy mạnh nhập khẩu lương thực phục vụ cho nhu cầu dự trữ, đảm bảo an ninh lương thực. Nhờ đó, xuất khẩu gạo, rau quả, điều, cà phê tăng tương ứng 34,7%, 64,2%, 7,7%, 3% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó xuất khẩu gạo và rau quả gia tăng đột biến.

Bộ NN-PTNT dự kiến trong nửa cuối 2023, các mặt hàng sau sẽ là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Thứ nhất, rau quả. Rau quả là mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn thứ 3 trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực 6 tháng đầu năm 2023 với giá trị đạt 2,75 tỷ USD, tăng 64,2% so với cùng kỳ. Trung Quốc chiếm thị phần xuất khẩu 63,5% với mức tăng trưởng trên 80% trong 6 tháng đầu năm. Trong 6 tháng cuối năm, dự báo xuất khẩu rau quả duy trì tăng trưởng tốt nếu các doanh nghiệp chú trọng chất lượng, cải tiến về mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc để đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường.

Thứ hai, gạo. Xuất khẩu gạo của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,2 triệu tấn (giảm 10,5%) và 2,2 triệu USD (tăng 8,1%) so với cùng kỳ. Xuất khẩu có khả năng sẽ chậm lại do nguồn cung từ vụ Đông Xuân đã cạn. Tuy nhiên, triển vọng ngành gạo được đánh giá là tương đối tích cực trong 6 tháng cuối năm do sản lượng gạo tại nhiều quốc gia sản xuất tại châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm dưới tác động của El Nino. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu cũng như giá gạo trên thị trường quốc tế.

Thứ ba, cà phê. Xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm 2023 đạt 2,41 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ. Dự báo xuất khẩu cà phê thời gian tới sẽ giảm đáng kể về lượng nhưng giá xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung suy giảm khi diện tích giảm.

Thứ tư, hạt điều. Xuất khẩu hạt điều 6 tháng đầu năm 2023 đạt 1,62 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Trong thời gian tới, ngành điều Việt Nam vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn từ tình hình kinh tế, chính trị quốc tế, biến động tỷ giá, tiêu dùng giảm, chi phí chế biến tăng. Dự báo nhu cầu tiêu thụ điều vẫn chậm và giá bán khó tăng.

Thứ năm, hồ tiêu. Xuất khẩu hồ tiêu 6 tháng đầu năm 2023 đạt 498 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ. Trong những tháng cuối năm, xuất khẩu hạt tiêu dự báo tiếp tục khó khăn do các thị trường lớn phục hồi chậm, lượng hàng tồn từ năm trước cũng là nguyên nhân khiến các nhà nhập khẩu giảm bớt thu mua hạt tiêu từ Việt Nam.

Thứ sáu, thủy sản. Xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,13 tỷ USD, giảm 27,4% so với cùng kỳ. Dự báo từ nay tới cuối năm, thị trường tiêu thụ thủy sản có thể phục hồi chậm. Tồn kho tại các thị trường lớn là Hoa Kỳ, EU và lượng hàng giá rẻ của các nước khác như Ecuador và Ấn Độ sẽ tác động lớn đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, nhất là mặt hàng tôm.

Thứ bảy, gỗ và sản phẩm gỗ. Xuất khẩu gỗ và sẩn phẩm gỗ 6 tháng đầu năm 2023 đạt 6,01 tỷ USD, giảm 28,8%. Dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ nay tới cuối năm còn gặp nhiều khó khăn khi các thị trường xuất khẩu tiếp tục thắt chặt chi tiêu nhằm kiềm chế lạm phát, nhu cầu tại thị trường Hoa Kỳ thấp, EU áp dụng nhiều luật mới liên quan đến nạn phá rừng, trong đó có mặt hàng gỗ. (Báo Đầu tư)

Số lượng các vụ lừa đảo doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Canada đang gia tăng

Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, gần đây, số lượng các vụ lừa đảo doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu có liên quan đến Canada đang gia tăng nhanh chóng.

Bà Trần Thu Quỳnh – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết hiện nay, một số cá nhân tự tiếp cận hồ sơ đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp lớn, có uy tín cao, có danh tiếng của Canada, download đăng ký kinh doanh và dùng vỏ bọc của các doanh nghiệp; dùng tên của các chủ doanh nghiệp này để đi lừa đảo các doanh nghiệp Việt Nam. Hình thức lừa đảo này chủ yếu là gọi điện trực tiếp, email (đuôi email miễn phí như gmail, hotmail…), Whatsapp, viber để gửi hồ sơ đăng ký kinh doanh, thậm chí gửi cả chứng nhận ngân hàng (tài khoản, số dư); chứng nhận nộp thuế… để xác nhận uy tín; sau đó trao đổi đặt hàng, gửi hợp đồng (thường yêu cầu giá CIF), đóng dấu đầy đủ.

Đến giai đoạn doanh nghiệp Việt Nam đề nghị chuyển tiền đặt cọc, các đối tượng sẽ yêu cầu một số loại chứng nhận (thường là không tồn tại); thậm chí gửi bản mẫu các chứng nhận này cho doanh nghiệp Việt Nam; khẳng định đây là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện của Chính phủ Canada, chính phủ tỉnh bang trước khi chuyển tiền. Sau đó, các đối tượng sẽ giới thiệu một luật sư/một broker để “hỗ trợ, thay mặt” các doanh nghiệp Việt Nam làm các chứng nhận này tại các cơ quan công quyền Canada. Các “luật sư-broker” này có thể chủ động liên lạc, nêu mức phí hoặc các đối tượng lừa đảo tự nêu mức phí và nói đây là mức phí đặc biệt cho doanh nghiệp xuất khẩu của các nước.

Các luật sư-broker (cũng dùng email miễn phí) sẽ cho số tài khoản để chuyển phí, thường khoảng $1000CAD/chứng nhận (giá làm nhanh trong 3 ngày). Khi các doanh nghiệp Việt Nam đề nghị trừ thẳng khoản phí này vào giá trị giao dịch của hợp đồng; để tăng độ tin cậy, có đối tượng còn chấp nhận ký hợp đồng giá FOB, xử lý tranh chấp tại Việt Nam theo pháp luật Việt Nam, thanh toán trước 50% và thanh toán nốt khi có giấy tờ chứng nhận hàng đã xếp lên tàu; chấp nhận gửi thư ưng thuận của ngân hàng (BCL) hoặc thư tín dụng dự phòng (SBLC). Có vụ việc, đối tượng ở Canada sau khi làm giả BCL, SBLC, còn cung cấp số điện thoại của ngân hàng để doanh nghiệp Việt Nam kiểm tra.

Thương vụ Việt Nam đã liên lạc với Đại sứ quán Canada tại Việt Nam (bộ phận thương mại) và Bộ An ninh nội địa để đề nghị hỗ trợ kiểm chứng thông tin và phối hợp cảnh báo các ngân hàng, các doanh nghiệp có uy tín của Canada về hành vi mạo danh; làm con dấu giả để lừa đảo này. Thương vụ Việt Nam tại Canada khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý, các trường hợp doanh nghiệp Canada nhập khẩu đề nghị bên xuất khẩu tự đứng ra làm các chứng chỉ của Canada và coi đây là yêu cầu bắt buộc của giao dịch hầu hết đều là lừa đảo vì các doanh nghiệp nhập khẩu thường sẽ đứng ra thực hiện các thủ tục sở tại. Các chứng chỉ như Canadian Anti-Terrorist Clearance Certificate, Canadian Food Inspection Agency, Canada Border Services Agency… đều không có thật.

Có vụ việc khác, không biết bằng cách gì, doanh nghiệp nhập khẩu đã lấy được chứng từ và lấy hàng, trong khi ngân hàng thu hộ không phản hồi các điện SWIFT. Nói cách khác, ngân hàng thu hộ không thực hiện đúng trách nhiệm của ngân hàng thu hộ và để cho người “mua” nhận hàng mà không thanh toán, cho thấy lỗ hổng của hình thức thanh toán DP”- bà Quỳnh cho hay. (Theo Báo Công thương/Ảnh: Trang Tiêu dùng)

Vụ 5 lô hàng nông sản nghi bị lừa đảo tại UAE: Thủ tướng chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ yêu càu các bộ cùng Đại sứ quán Việt Nam tại UAE hỗ trợ các doanh nghiệp và báo cáo kết quả xử lý trước ngày 5/8/2023.

Ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 693/CĐ-TTg về việc hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường UAE.

Công điện nêu rõ, vừa qua, một số báo điện tử phản ánh thông tin về việc một số doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam có nguy cơ bị mất các lô hàng xuất khẩu hồ tiêu, quế, hồi, hạt điều sang Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) do gian lận thương mại.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo như sau: Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại UAE tiếp tục khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của UAE, đề nghị phối hợp điều tra, làm rõ vụ việc 4 container nông sản đã bị mất để có biện pháp đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế và luật pháp sở tại, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trước ngày 5/8/2023.

Trước mắt, đề nghị phía UAE áp dụng các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ 1 container hoa hồi của doanh nghiệp Việt Nam tại cảng Jebel Ali (UAE).

Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài khuyến cáo các doanh nghiệp thường xuyên thông tin cho các cơ quan chức năng để xác minh, thẩm định kỹ các đối tác nước ngoài trước khi ký kết các thỏa thuận giao dịch để phòng ngừa rủi ro khi có vấn đề liên quan đến tranh chấp, nghi lừa đảo; thông báo đầy đủ, kịp thời đến các cơ quan chức năng khi xảy ra các vụ việc để được hỗ trợ giải quyết tránh các thiệt hại phát sinh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thúc đẩy xây dựng, sớm thành lập các Tổ chức Hiệp hội liên kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam với các doanh nghiệp nhập khẩu phân phối của UAE nhằm tạo cơ chế hợp tác trao đổi thông tin ngăn chặn các hoạt động lừa đảo, giải quyết tranh chấp thương mại. (Theo Báo Công thương)

VINACAS kiến nghị tiếp tục xem xét điều chỉnh hạn chế nhập khẩu nhân điều sơ chế

Ngành điều lại xin giảm 50 triệu USD chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu

Tại hội nghị sơ kết giữa năm Hiệp hội Điều Việt Nam tổ chức ngày 26.7 tại TP.HCM, các doanh nghiệp tiếp tục than khó về thị trường xuất khẩu, giá bán và cạnh tranh ngày càng gay gắt từ điều châu Phi.

Theo báo cáo của Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), trong 6 tháng đầu năm, ngành điều đã xuất khẩu được 279.000 tấn điều nhân các loại, kim ngạch đạt khoảng 1,6 tỉ USD, tăng 9,49% về lượng và tăng 7,65% về trị giá nhưng giá xuất khẩu nhân điều bình quân chỉ đạt khoảng 5.717 USD/tấn, giảm 1,73% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Về tình hình tiêu thụ, các thị trường chủ lực đều đang chủ động “thắt lưng buộc bụng”, giảm chi tiêu đối với những mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu. Trong khi đó, các nước châu Phi đang tiến dần đến việc tự sản xuất chế biến nhân điều (tương tự nhà máy tại Việt Nam đang làm), do đó nguồn nguyên liệu châu Phi nhập về Việt Nam thường là điều thô phẩm cấp thấp. Các doanh nghiệp nhập khẩu lưu trữ hàng trong kho với thời gian dài dẫn đến chất lượng điều nhân chế biến cũng giảm sút.

Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch thường trực VINACAS, cảnh báo: “Mới đây, VINACAS nhận được than phiền từ các nhà nhập khẩu châu Âu, phản ảnh chất lượng điều nhân của doanh nghiệp Việt Nam giảm đi và nhiều lô hàng có tồn dư côn trùng sống. Việc giữ được chất lượng sản phẩm là yếu tố sống còn của ngành điều Việt Nam, bởi nhiều lợi thế trước đây không còn nữa, và áp lực cạnh tranh từ các nước châu Phi đang mỗi ngày một lớn hơn”. 

Theo phản ảnh của các doanh nghiệp, thủ tục kiểm dịch thực vật đối với những lô hàng điều thô nhập khẩu hiện nay còn mất nhiều thời gian, khiến thời gian lưu hàng tại bãi kéo dài làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Lãnh đạo VINACAS kiến nghị Chính phủ tiếp tục xem xét ban hành điều chỉnh chính sách để hạn chế nhập khẩu nhân điều sơ chế; tích cực tháo gỡ vướng mắc về tín dụng, xúc tiến thương mại để tìm kiếm thị trường mới…

Trước tình hình khó khăn từ nội tại lẫn thị trường tiêu thụ, VINACAS tiếp tục đề nghị điều chỉnh kim ngạch xuất khẩu nhân điều năm 2023 đạt 3,05 tỉ USD, giảm 50 triệu USD so với kế hoạch đã đề ra. Trước đó, VINACAS xin được điều chỉnh chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu giảm từ 3,8 tỉ USD theo kế hoạch của Bộ NN-PTNT xuống 3,1 tỉ USD.  (Theo Thanh Niên/Tựa: Công ty TNP)

Bộ Nông nghiệp kiến nghị tạm giữ lô hàng hoa hồi tại cảng của UAE

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Đại sứ quán UAE tại Hà Nội xin ý kiến các cơ quan hữu quan của UAE ban hành lệnh tạm giữ lô hàng hoa hồi.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công hàm gửi Đại sứ quán Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) tại Hà Nội, đề nghị sự hỗ trợ của Đại sứ quán trong việc giải quyết một vấn đề cấp bách liên quan đến gian lận thương mại đối với mặt hàng gia vị của Việt Nam xuất khẩu sang UAE.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được văn bản của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam báo cáo rằng có một số mặt hàng: hạt tiêu, hồi, hạt điều, quế từ Việt Nam xuất khẩu sang UAE đang có dấu hiệu gian lận thương mại từ người mua tên là Bab A1 Rehab Foodstuff Trading LLC, cùng một ngân hàng tên là Ajman Bank JSC tại Dubai, UAE.

Hiện 4 container gia vị, trị giá gần 400.000 USD đã bị thất lạc ngay sau khi cập cảng Jebel Ali của UAE. Một container hoa hồi có nguy cơ bị mất nếu các cơ quan có liên quan của Dubai không kịp thời ngăn chặn hành động thông quan để giải phóng lô hàng tại cảng Jebel Ali trước ngày dự kiến cập cảng vào ngày 26/7/2023.

Nhằm ngăn chặn gian lận thương mại đối với lô hàng hoa hồi nói trên, cũng như để theo dõi tìm ra nhà nhập khẩu gian lận đã đánh cắp 4 lô hàng trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Đại sứ quán UAE tại Hà Nội xin ý kiến các cơ quan hữu quan của UAE ban hành lệnh tạm giữ lô hàng hoa hồi tại cảng và điều tra vụ việc trước đó với 4 lô hàng nêu trên. (Theo Báo Công thương)

Doanh nghiệp Việt nghi bị lừa đảo: Thương vụ Việt Nam tại UAE vào cuộc

Thương vụ Việt Nam tại UAE làm việc với các chi nhánh ngân hàng có liên quan tại Dubai và cảnh sát Dubai

Mới đây, Hiệp hội Điều Việt Nam và Hiệp hội Hồ tiêu & Cây gia vị Việt Nam đã có thông báo gửi các doanh nghiệp thông tin về vụ việc nghi bị lừa đảo trong xuất khẩu điều nhân, hồ tiêu sang Dubai thuộc các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Thương vụ Việt Nam tại UAE cho biết, đã nhận được công văn trình báo của một số doanh nghiệp Việt Nam với cùng nội dung, cùng tố cáo một đơn vị nhập khẩu tại UAE và cùng ngân hàng nhờ thu tại Dubai lừa ký hợp đồng mua quế, tiêu và điều.

Thương vụ đã có Công hàm gửi Bộ Ngoại giao UAE, Cảnh sát Dubai, Ngân hàng Trung ương UAE và một số ngân hàng cũng như hãng tàu có liên quan. Thương vụ đã cũng tiến hành làm việc với một số đơn vị như chi nhánh ngân hàng có liên quan tại Dubai; cảnh sát Dubai và nộp hồ sơ trình báo về vụ việc; hãng tàu và cơ quan chức năng của cảng Jebel Ali.

Cùng diễn biết, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc và báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại UAE, Bộ Công Thương đã có Công hàm số 1465/AP-TACP ngày 21/7/2023 gửi Đại sứ quán UAE tại Hà Nội đề nghị Đại sứ quán thông báo với các cơ quan có thẩm quyền liên quan xem xét và xử lý vụ việc. (Theo Báo Công thương)

5 lô hàng nông sản bị nghi lừa đảo tại Dubai – UAE

Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam cảnh báo khẩn với doanh nghiệp xuất khẩu vào UAE

Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) vừa có thông tin mới nhất tới báo chí về vụ việc một số doanh nghiệp hội viên bị lừa đảo tại Dubai – UAE. Lượng hàng gồm 5 container gồm: 2 container hồ tiêu, 1 container quế, 1 container hoa hồi và 1 container điều, với giá trị tổng lô hàng là 516.716 USD. Trong đó, 4 lô hàng hồ tiêu, quế, điều đã bị lấy ra khỏi cảng mà chưa thanh toán với tổng trị giá khoảng 400.000 USD

Người mua hàng là công ty Bab Al Rehab Foodstuff Trading LLC (BARFT), địa chỉ tại Office No 1006 Mai Tower, Al Nahda, Dubai, UAE với điều khoản thanh toán nhờ thu D/P; hàng giao tháng 6, cập cảng tháng 6-7/2023.

Hiện nay, 4 lô hàng đã bị lấy ra khỏi cảng mà chưa thanh toán với tổng trị giá khoảng 400.000 USD; còn 01 lô hàng hoa hồi dự kiến cập cảng ngày 26/7/2023 trị giá 126,3 ngàn USD (bộ chứng từ gốc cũng đã bị mất).

Các doanh nghiệp ký với khách hàng theo hình thức nhờ thu hộ D/P, tức là bộ chứng từ xuất khẩu sẽ được ngân hàng người bán giao tới ngân hàng người mua, sau đó người mua tới ngân hàng thanh toán tiền. Sau khi ngân hàng người mua nhận đủ tiền sẽ đồng thời chuyển tiền hàng về ngân hàng người bán và giao phát bộ chứng từ xuất khẩu cho người mua để người mua tiến hành thủ tục nhập khẩu và kéo container ra khỏi cảng nhập.

Các ngân hàng Việt Nam dùng dịch vụ DHL chuyển phát bộ chứng từ gốc tới ngân hàng Ajman Bank và nhân viên ngân hàng Ajman Bank đã xác nhận ký nhận thành công 05 bộ chứng từ. Tuy nhiên sau đó không rõ vì lý do gì các bộ chứng từ gốc không còn lưu tại ngân hàng Ajman. Các công ty xuất khẩu đã kiểm tra trên hệ thống hãng tàu thì phát hiện cả 4 containers hàng đều đã biến mất khỏi cảng. Người mua không liên hệ được và nay công ty cũng đã đóng cửa tại trụ sở đăng ký.

Vì vậy, các công ty đã yêu cầu ngân hàng Việt Nam đòi ngân hàng Ajman trả lại bộ chứng từ gốc và liên tục có điện truy vấn, kể cả qua các hình thức khác là email và điện thoại trực tiếp nhưng đến nay ngân hàng này vẫn chưa trả lời và chỉ thông báo là đã chuyển thông tin về trụ sở chính để giải quyết.

Sau khi được DN trình báo sự việc, VPSA cho biết đã nhanh chóng báo cáo cơ quan chức trách liên quan và đề nghị phối hợp hỗ trợ giúp doanh nghiệp thu hồi được tiền hàng.

Đồng thời, VPSA đề nghị Đại sứ quán UAE tại Hà Nội xem xét, yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan của các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất và Dubai nói riêng có biện pháp xử lý sự việc, yêu cầu ngân hàng Ajman Bank PJSC chịu trách nhiệm liên đới cho hành vi lừa đảo có tổ chức, có tính toán của người mua là công ty BARFT nhắm vào các doanh nghiệp Việt Nam, phải có trách nhiệm giúp thu hồi tiền hàng về cho người bán theo đúng điều khoản thanh toán hợp đồng D/P.

“Sự việc này phải được giải quyết sớm để một mặt giúp thu hồi tiền hàng cho 4 doanh nghiệp Việt Nam nhưng quan trọng hơn để kịp thời ngăn chặn các trường hợp tương tự khác xảy ra tiếp tục, ngay trước mắt là 01 container hoa hồi dự kiến sẽ cập cảng Jebel Ali ngày 26/7/2023. Khả năng cao lô hàng này cũng có thể sẽ bị lấy mất khi bộ chứng từ gốc đã không còn trong ngân hàng nhờ thu hộ qua nghiệp vụ thanh toán D/P tương tự như 4 lô hàng trước”, VPSA nhận định.

Đối với các Bộ, ban, ngành, các cơ quan liên quan với lô hàng hoa hồi đến cảng ngày 26/7, VPSA cũng đã nhận được sự hợp tác của hãng tàu giúp hỗ trợ không cấp Lệnh giao hàng D/O cho người mua khi giao nộp bộ chứng từ gốc do đề nghị của Hiệp hội và Đại sứ quán Việt Nam tại UAE vì lô hàng đang có tranh chấp. Tuy nhiên chỉ với một thời gian rất hạn chế. Công việc xử lý sắp tới cho lô hàng này cũng sẽ rất khó khăn vì phải tiến hành các biện pháp pháp lý liên quan đến luật sư, toà án, cảnh sát để lấy lại được lô hàng.

Với 04 lô hàng đã mất, doanh nghiệp và Hiệp hội cũng đã chủ động tính đến các biện pháp pháp lý sắp tới nên rất cần sự đồng hành và hỗ trợ của các cơ quan Chính phủ.

“Hiệp hội và doanh nghiệp cũng đã tiếp tục yêu cầu các ngân hàng thương mại Việt Nam phải hợp tác, cùng tìm biện pháp hỗ trợ khách hàng, đồng thời báo cáo tham vấn và xin hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước; thực hiện trách nhiệm của mình là đối tác của ngân hàng Ajman qua nghiệp vụ nhờ thu D/P”, VPSA cho biết. 

VPSA đã gửi cảnh báo đề nghị các doanh nghiệp hội viên hết sức cẩn trọng khi giao dịch với các khách hàng Dubai tại thị trường UAE.

UAE là một trong 10 đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trên thế giới và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông và châu Phi. (Theo vnbusiness.vn)

Lỗ hổng nào khiến 3 công ty Việt Nam có nguy cơ bị lừa bởi 1 đối tác Dubai?

Vấn đề của vụ việc nằm ở phương thức thanh toán.

Ngày 18/7/2023, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã làm việc với các ngân hàng bên bán, các hãng tàu và hãng chuyển phát nhanh quốc tế DHL để nắm chắc thông tin và trách nhiệm các bên liên quan xung quanh vụ việc 3 công ty Việt Nam có nguy cơ mất tiền khi xuất khẩu cho 1 đối tác ở Dubai thuộc các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Được biết, 3 công ty Việt Nam xuất khẩu 3 lô hàng khác nhau là: hạt điều, hồ tiêu và quế với tổng trị giá khoảng 300.000 USD.

Trao đổi về việc liệu doanh nghiệp Việt Nam có mắc sai lầm nào trong giao dịch quốc tế, dẫn đến nguy cơ bị lừa đảo?

Đại diện một thành viên hiệp hội ngành hàng cho hay vấn đề của vụ việc nằm ở phương thức thanh toán. Các doanh nghiệp đã dùng phương thức thanh toán D/P (trả tiền để được nhận chứng từ), đang được áp dụng hầu hết tại UAE, ít dùng phương thức L/C (tín dụng chứng từ) dù hình thức này an toàn hơn.

Tuy nhiên, thanh toán D/P vẫn an toàn nếu như ngân hàng bên mua thực hiện đúng quy định quốc tế. Đó là, chỉ khi người mua nộp tiền cho ngân hàng nhờ thu hộ để trả cho người bán, ngân hàng mới giao bộ chứng từ để người mua đi nhận hàng.

Ở trường hợp này, bộ chứng từ của lô hàng đã giao cho ngân hàng nhưng người bán không nhận được tiền mà hàng đã bị lấy. Lỗi thuộc về ngân hàng bên mua.

Dù vậy, cũng có những tình huống khác có thể xảy ra. “Ví dụ, hãng DHL giao nhầm bộ chứng từ cho người không phải của ngân hàng thì lỗi thuộc về DHL. Thậm chí, nếu chủ đích lừa đào có thể có dàn cảnh để giả người của ngân hàng để lấy bộ chứng từ chẳng hạn” – đại diện hiệp hội phân tích.

Hiện tại, các hiệp hội đã liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại UAE để báo cáo vụ việc để nhờ hỗ trợ.

Trước đó, VPA và Vinacas đã thông tin cảnh báo về vụ việc nghi lừa đảo của một doanh nghiệp Dubai có tên Bab Al Rehab Foodstuff Trading LLC.

Công ty này đã mua hạt điều, hồ tiêu và quế của 3 doanh nghiệp Việt Nam nhưng không trả đủ tiền đã nhận hàng. Trong đó, trường hợp công ty hạt điều Tín Mai chỉ mới nhận 15% tiền đặt cọc nhưng hàng đã bị lấy đi. (Theo Người Lao Động)

Nên ăn hạt điều vào lúc nào?

Hạt điều là thực phẩm tốt cho sức khoẻ và nên đưa vào thực đơn hằng ngày. Tuy nhiên nên ăn hạt điều vào lúc nào để bổ sung dinh dưỡng tốt nhất cho cơ thể là vấn đề không phải ai cũng biết.

Ăn hạt điều vào lúc nào là tốt nhất? Thực chất bạn có thể ăn hạt điều với lượng vừa phải vào bất kỳ thời gian nào trong ngày. Nhưng để hạn chế các tác dụng phụ cho cơ thể thì tuyệt đối không được ăn nhiều và đặc biệt là ăn vào các lúc sau:

Không ăn trước bữa chính

Hạt điều giàu chất xơ, nếu ăn hạt điều trước bữa chính sẽ dẫn đến tình trạng no lâu, khiến bạn không ăn được các món khác, từ đó có nguy cơ thiếu chất. Vậy nên tốt nhất là ăn vào các bữa phụ và ăn cách thời gian diễn ra bữa chính ít nhất là 1 tiếng. 

Không ăn vào buổi tối

Hạt điều có hàm lượng chất dinh dưỡng cao cùng năng lượng dồi dào nên nếu ăn chúng trước khi đi ngủ sẽ gây đầy bụng khó tiêu và rất khó ngủ. Đặc biệt nếu bạn yêu thích các sản phẩm hạt điều chiên hoặc tẩm gia vị có lượng dầu cao thì khả năng bị đầy hơi, không ngủ được rất cao. 

Không ăn một lúc quá nhiều

Thông thường chỉ nên sử dụng 10 đến 20 hạt mỗi ngày. Một tuần có thể dùng hạt điều từ 3 – 4 ngày. Với trẻ em dưới 10 tuổi thì nên ăn ít hơn, chỉ ăn khoảng 1 lần/tuần để tránh khó tiêu. Đặc biệt không nên ăn hạt điều khi xem TV vì cách ăn này làm bạn mất tập trung và sẽ ăn nhiều hơn lượng cho phép. Tuyệt đối không dùng hạt điều rang muối với nước ngọt. (Theo Vinmec.com)

error: Nội dung và bản quyền thuộc về CTY Cổ Phần Trình Nguyên Phát !!!