Category Archives

Posts in Tin tức category.
Doanh nghiệp Việt nghi bị lừa đảo: Thương vụ Việt Nam tại UAE vào cuộc

Thương vụ Việt Nam tại UAE làm việc với các chi nhánh ngân hàng có liên quan tại Dubai và cảnh sát Dubai

Mới đây, Hiệp hội Điều Việt Nam và Hiệp hội Hồ tiêu & Cây gia vị Việt Nam đã có thông báo gửi các doanh nghiệp thông tin về vụ việc nghi bị lừa đảo trong xuất khẩu điều nhân, hồ tiêu sang Dubai thuộc các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Thương vụ Việt Nam tại UAE cho biết, đã nhận được công văn trình báo của một số doanh nghiệp Việt Nam với cùng nội dung, cùng tố cáo một đơn vị nhập khẩu tại UAE và cùng ngân hàng nhờ thu tại Dubai lừa ký hợp đồng mua quế, tiêu và điều.

Thương vụ đã có Công hàm gửi Bộ Ngoại giao UAE, Cảnh sát Dubai, Ngân hàng Trung ương UAE và một số ngân hàng cũng như hãng tàu có liên quan. Thương vụ đã cũng tiến hành làm việc với một số đơn vị như chi nhánh ngân hàng có liên quan tại Dubai; cảnh sát Dubai và nộp hồ sơ trình báo về vụ việc; hãng tàu và cơ quan chức năng của cảng Jebel Ali.

Cùng diễn biết, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc và báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại UAE, Bộ Công Thương đã có Công hàm số 1465/AP-TACP ngày 21/7/2023 gửi Đại sứ quán UAE tại Hà Nội đề nghị Đại sứ quán thông báo với các cơ quan có thẩm quyền liên quan xem xét và xử lý vụ việc. (Theo Báo Công thương)

5 lô hàng nông sản bị nghi lừa đảo tại Dubai – UAE

Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam cảnh báo khẩn với doanh nghiệp xuất khẩu vào UAE

Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) vừa có thông tin mới nhất tới báo chí về vụ việc một số doanh nghiệp hội viên bị lừa đảo tại Dubai – UAE. Lượng hàng gồm 5 container gồm: 2 container hồ tiêu, 1 container quế, 1 container hoa hồi và 1 container điều, với giá trị tổng lô hàng là 516.716 USD. Trong đó, 4 lô hàng hồ tiêu, quế, điều đã bị lấy ra khỏi cảng mà chưa thanh toán với tổng trị giá khoảng 400.000 USD

Người mua hàng là công ty Bab Al Rehab Foodstuff Trading LLC (BARFT), địa chỉ tại Office No 1006 Mai Tower, Al Nahda, Dubai, UAE với điều khoản thanh toán nhờ thu D/P; hàng giao tháng 6, cập cảng tháng 6-7/2023.

Hiện nay, 4 lô hàng đã bị lấy ra khỏi cảng mà chưa thanh toán với tổng trị giá khoảng 400.000 USD; còn 01 lô hàng hoa hồi dự kiến cập cảng ngày 26/7/2023 trị giá 126,3 ngàn USD (bộ chứng từ gốc cũng đã bị mất).

Các doanh nghiệp ký với khách hàng theo hình thức nhờ thu hộ D/P, tức là bộ chứng từ xuất khẩu sẽ được ngân hàng người bán giao tới ngân hàng người mua, sau đó người mua tới ngân hàng thanh toán tiền. Sau khi ngân hàng người mua nhận đủ tiền sẽ đồng thời chuyển tiền hàng về ngân hàng người bán và giao phát bộ chứng từ xuất khẩu cho người mua để người mua tiến hành thủ tục nhập khẩu và kéo container ra khỏi cảng nhập.

Các ngân hàng Việt Nam dùng dịch vụ DHL chuyển phát bộ chứng từ gốc tới ngân hàng Ajman Bank và nhân viên ngân hàng Ajman Bank đã xác nhận ký nhận thành công 05 bộ chứng từ. Tuy nhiên sau đó không rõ vì lý do gì các bộ chứng từ gốc không còn lưu tại ngân hàng Ajman. Các công ty xuất khẩu đã kiểm tra trên hệ thống hãng tàu thì phát hiện cả 4 containers hàng đều đã biến mất khỏi cảng. Người mua không liên hệ được và nay công ty cũng đã đóng cửa tại trụ sở đăng ký.

Vì vậy, các công ty đã yêu cầu ngân hàng Việt Nam đòi ngân hàng Ajman trả lại bộ chứng từ gốc và liên tục có điện truy vấn, kể cả qua các hình thức khác là email và điện thoại trực tiếp nhưng đến nay ngân hàng này vẫn chưa trả lời và chỉ thông báo là đã chuyển thông tin về trụ sở chính để giải quyết.

Sau khi được DN trình báo sự việc, VPSA cho biết đã nhanh chóng báo cáo cơ quan chức trách liên quan và đề nghị phối hợp hỗ trợ giúp doanh nghiệp thu hồi được tiền hàng.

Đồng thời, VPSA đề nghị Đại sứ quán UAE tại Hà Nội xem xét, yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan của các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất và Dubai nói riêng có biện pháp xử lý sự việc, yêu cầu ngân hàng Ajman Bank PJSC chịu trách nhiệm liên đới cho hành vi lừa đảo có tổ chức, có tính toán của người mua là công ty BARFT nhắm vào các doanh nghiệp Việt Nam, phải có trách nhiệm giúp thu hồi tiền hàng về cho người bán theo đúng điều khoản thanh toán hợp đồng D/P.

“Sự việc này phải được giải quyết sớm để một mặt giúp thu hồi tiền hàng cho 4 doanh nghiệp Việt Nam nhưng quan trọng hơn để kịp thời ngăn chặn các trường hợp tương tự khác xảy ra tiếp tục, ngay trước mắt là 01 container hoa hồi dự kiến sẽ cập cảng Jebel Ali ngày 26/7/2023. Khả năng cao lô hàng này cũng có thể sẽ bị lấy mất khi bộ chứng từ gốc đã không còn trong ngân hàng nhờ thu hộ qua nghiệp vụ thanh toán D/P tương tự như 4 lô hàng trước”, VPSA nhận định.

Đối với các Bộ, ban, ngành, các cơ quan liên quan với lô hàng hoa hồi đến cảng ngày 26/7, VPSA cũng đã nhận được sự hợp tác của hãng tàu giúp hỗ trợ không cấp Lệnh giao hàng D/O cho người mua khi giao nộp bộ chứng từ gốc do đề nghị của Hiệp hội và Đại sứ quán Việt Nam tại UAE vì lô hàng đang có tranh chấp. Tuy nhiên chỉ với một thời gian rất hạn chế. Công việc xử lý sắp tới cho lô hàng này cũng sẽ rất khó khăn vì phải tiến hành các biện pháp pháp lý liên quan đến luật sư, toà án, cảnh sát để lấy lại được lô hàng.

Với 04 lô hàng đã mất, doanh nghiệp và Hiệp hội cũng đã chủ động tính đến các biện pháp pháp lý sắp tới nên rất cần sự đồng hành và hỗ trợ của các cơ quan Chính phủ.

“Hiệp hội và doanh nghiệp cũng đã tiếp tục yêu cầu các ngân hàng thương mại Việt Nam phải hợp tác, cùng tìm biện pháp hỗ trợ khách hàng, đồng thời báo cáo tham vấn và xin hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước; thực hiện trách nhiệm của mình là đối tác của ngân hàng Ajman qua nghiệp vụ nhờ thu D/P”, VPSA cho biết. 

VPSA đã gửi cảnh báo đề nghị các doanh nghiệp hội viên hết sức cẩn trọng khi giao dịch với các khách hàng Dubai tại thị trường UAE.

UAE là một trong 10 đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trên thế giới và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông và châu Phi. (Theo vnbusiness.vn)

Lỗ hổng nào khiến 3 công ty Việt Nam có nguy cơ bị lừa bởi 1 đối tác Dubai?

Vấn đề của vụ việc nằm ở phương thức thanh toán.

Ngày 18/7/2023, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã làm việc với các ngân hàng bên bán, các hãng tàu và hãng chuyển phát nhanh quốc tế DHL để nắm chắc thông tin và trách nhiệm các bên liên quan xung quanh vụ việc 3 công ty Việt Nam có nguy cơ mất tiền khi xuất khẩu cho 1 đối tác ở Dubai thuộc các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Được biết, 3 công ty Việt Nam xuất khẩu 3 lô hàng khác nhau là: hạt điều, hồ tiêu và quế với tổng trị giá khoảng 300.000 USD.

Trao đổi về việc liệu doanh nghiệp Việt Nam có mắc sai lầm nào trong giao dịch quốc tế, dẫn đến nguy cơ bị lừa đảo?

Đại diện một thành viên hiệp hội ngành hàng cho hay vấn đề của vụ việc nằm ở phương thức thanh toán. Các doanh nghiệp đã dùng phương thức thanh toán D/P (trả tiền để được nhận chứng từ), đang được áp dụng hầu hết tại UAE, ít dùng phương thức L/C (tín dụng chứng từ) dù hình thức này an toàn hơn.

Tuy nhiên, thanh toán D/P vẫn an toàn nếu như ngân hàng bên mua thực hiện đúng quy định quốc tế. Đó là, chỉ khi người mua nộp tiền cho ngân hàng nhờ thu hộ để trả cho người bán, ngân hàng mới giao bộ chứng từ để người mua đi nhận hàng.

Ở trường hợp này, bộ chứng từ của lô hàng đã giao cho ngân hàng nhưng người bán không nhận được tiền mà hàng đã bị lấy. Lỗi thuộc về ngân hàng bên mua.

Dù vậy, cũng có những tình huống khác có thể xảy ra. “Ví dụ, hãng DHL giao nhầm bộ chứng từ cho người không phải của ngân hàng thì lỗi thuộc về DHL. Thậm chí, nếu chủ đích lừa đào có thể có dàn cảnh để giả người của ngân hàng để lấy bộ chứng từ chẳng hạn” – đại diện hiệp hội phân tích.

Hiện tại, các hiệp hội đã liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại UAE để báo cáo vụ việc để nhờ hỗ trợ.

Trước đó, VPA và Vinacas đã thông tin cảnh báo về vụ việc nghi lừa đảo của một doanh nghiệp Dubai có tên Bab Al Rehab Foodstuff Trading LLC.

Công ty này đã mua hạt điều, hồ tiêu và quế của 3 doanh nghiệp Việt Nam nhưng không trả đủ tiền đã nhận hàng. Trong đó, trường hợp công ty hạt điều Tín Mai chỉ mới nhận 15% tiền đặt cọc nhưng hàng đã bị lấy đi. (Theo Người Lao Động)

3 doanh nghiệp Việt cùng bị một doanh nghiệp ở Dubai lừa đảo?

3 container với 3 mặt hàng xuất khẩu khác nhau của các doanh nghiệp Việt có khả năng đã bị lừa. Hàng bị lấy đi nhưng tiền chưa nhận được.

Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) vừa nhận được kiến nghị của Công ty Tín Mai (hội viên Vinacas) về vụ việc nghi bị lừa đảo trong xuất khẩu điều nhân.

Cụ thể, Công ty Tín Mai ký hợp đồng bán nhân điều cho Công ty Bab Al Rehab Foodstuff Trading LLC có trụ sở văn phòng tại Al Nahda, Dubai, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). Người giao dịch trực tiếp là ông Naeem Chaudhry.

Phía khách hàng đã ứng 15% số tiền hàng, sau đó, Công ty Tín Mai giao hàng. Ngày 24/6, hàng đến cảng Jebel Ali, UAE. Hàng đã được lấy và trả lại container rỗng vào ngày 27/6, nhưng phía Công ty Tín Mai vẫn chưa nhận được khoản thanh toán 85% trị giá tiền còn lại của lô hàng.

Ngân hàng phía bên bán là Sacombank đã gửi 2 điện (Swift) đến ngân hàng bên mua là Ajman Bank PJSC – Sheikh Zayed Road Dubai Branch yêu cầu thanh toán và hoàn trả bộ chứng từ nhưng không được thực hiện. 

Qua kiểm tra của phía doanh nghiệp, bộ chứng từ lô hàng đã được công ty chuyển phát DHL giao cho một nhân viên an ninh của ngân hàng Ajman Bank PJSC – Sheikh Zayed Road Dubai Branch – nhưng chưa biết sau đó bộ chứng từ đến đâu. Còn hãng tàu cho biết, đơn vị đã thực hiện bàn giao hàng khi có đầy đủ chứng từ theo quy định.  

Theo Vinacas, ngoài trường hợp trên của Công ty Tín Mai, còn ít nhất 2 doanh nghiệp trong ngành tiêu và cây gia vị gặp tình trạng tương tự, với cùng một khách hàng và ngân hàng nói trên. Tuy giá trị 3 container hàng của 3 doanh nghiệp chỉ khoảng 300.000 USD (hơn 7 tỷ đồng) nhưng lại là 3 mặt hàng khác nhau. Như vậy, nhiều khả năng có sự cấu kết, thông đồng của khách hàng (người mua) và ngân hàng phía người mua. 

“Nếu nghi vấn này đúng thì đây sẽ là sự việc hiếm có, xảy ra giữa Trung tâm tài chính Dubai”, đại diện Vinacas chia sẻ.

Hiệp hội Điều Việt Nam đã liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại UAE để nhờ hỗ trợ, đồng thời, đơn vị phối hợp với Hiệp hội Tiêu và cây gia vị tổ chức họp với các doanh nghiệp để nắm đầy đủ thông tin, từ đó chính thức kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và UAE xem xét, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết vụ việc. 

Vinacas cũng đề nghị các doanh nghiệp trong ngành, nếu đang gặp sự việc tương tự, liên lạc ngay với văn phòng Vinacas để cung cấp thông tin. (Theo Vietnamnet/Ảnh: Internet)

Kim ngạch xuất khẩu hạt điều hoàn thành 51% kế hoạch năm 2023

6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 1,61 tỷ USD, hoàn thành 51% kế hoạch năm về trị giá xuất khẩu mà Vinacas đã đề ra.

Tháng 6/2023, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, Việt Nam xuất khẩu 56.000 tấn hạt điều với trị giá đạt 325 triệu USD, tăng 20,2% về lượng và 13,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 276.000 tấn hạt điều với 1,61 tỷ USD, tăng lần lượt 10,5% và 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, hạt điều là một trong 4 mặt hàng nông sản thuộc ngành nông nghiệp (cùng với rau quả, gạo và cà phê) có kim ngạch xuất khẩu đạt trị giá từ 1 tỷ USD trở lên trong nửa đầu năm 2023.

Năm 2023, Hiệp hội Điều việt Nam (Vinacas) đặt mục tiêu xuất khẩu hạt điều đạt 3,1 tỷ USD, tăng nhẹ 30 triệu USD so với năm 2022. Theo Vinacas, hoạt động sản xuất cũng như chuỗi cung ứng ngành điều toàn cầu và ở Việt Nam tiếp tục còn gặp rất nhiều khó khăn. Tăng trưởng của ngành điều sẽ bị tác động đáng kể do nhu cầu tiêu thụ điều nhân toàn cầu tiếp tục ảm đạm; thị trường nguyên liệu điều thế giới sẽ gặp nhiều thách thức.

Với kết quả đạt được trong nửa đầu năm 2023, ngành điều đã hoàn thành 51% kế hoạch xuất khẩu năm đã đề ra.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với 57.678 tấn và trị giá 335 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2023. Đứng sau là Trung Quốc với 30.179 tấn, đạt 198 triệu USD; Hà Lan với 20.204 tấn, đạt 120,7 triệu USD. (Theo mekongasean.vn/Ảnh: XNK)

Ngược đà suy giảm, xuất khẩu rau quả, gạo, hạt điều vẫn tăng trưởng ngoạn mục

07 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ USD, gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm và sản phẩm gỗ.

Bộ NN-PTNTvừa dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 24,59 tỉ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, giá trị xuất khẩu của nhóm nông sản chính đạt 12,79 tỉ USD, tăng 12%. Trong bối cảnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn có 07 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ USD, gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm và sản phẩm gỗ.

Đặc biệt, xuất khẩu gạo và hạt điều tăng trưởng mạnh cả khối lượng và giá trị xuất khẩu: gạo tăng hơn 22% về khối lượng và tăng 34,7% giá trị xuất khẩu; hạt điều tăng 10,5% khối lượng và tăng 7,7% giá trị xuất khẩu.

Xuất khẩu cà phê tuy giảm về khối lượng khi chỉ đạt 1,02 triệu tấn (giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022) nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 5,2% nên giá trị xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm đạt 2,4 tỉ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022.

Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 21,4%, tăng 7,7%; sang Mỹ chiếm 20,2%, giảm 32,9% và sang Nhật Bản chiếm 7,7%, giảm 5,3%.

Bộ NN-PTNT đang tích cực đàm phán để xuất khẩu dừa tươi sang Mỹ; thống nhất với Nhật Bản về tem mới đối với mặt hàng xoài, thanh long quả tươi của Việt Nam xuất sang Nhật Bản, bắt đầu thực hiện từ ngày 1.8.

Ngoài ra, Bộ NN-PTNT đang trao đổi với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để hoàn thiện dự thảo nghị định thư về yêu cầu nhập khẩu ớt và các loại quả tươi truyền thống của Việt Nam (trừ chuối) vào thị trường Trung Quốc. 

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của Bộ NN-PTNT sẽ thường xuyên họp trực tuyến với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thực thi các quy định về truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm khi xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường này. (Theo Thanh Niên/Ảnh: Công ty CP Trình Nguyên Phát)

Công ty Cổ phần Trình Nguyên Phát được cấp chứng nhận HACCP

Hệ thống sản xuất, chế biến và kinh doanh hạt điều nhân, hạt điều rang muối của Công ty Cổ phần Trình Nguyên Phát đạt tiêu chuẩn HACCP Codex 2020.

Công ty Cổ phần Trình Nguyên Phát vừa được cấp chứng nhận Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn HACCP Codex 2020 đối với quy trình, phạm vi sản xuất, chế biến và kinh doanh hạt điều nhân và hạt điều rang muối.

Trình Nguyên Phát luôn kiên trì thực hiện các mục tiêu là doanh nghiệp xuất nhập khẩu, sản xuất, chế biến hạt điều có uy tín với sự tập trung tuyệt đối vào chất lượng sản phẩm; giá cả cạnh tranh, mang đến giá trị lợi nhuận tốt nhất cho các doanh nghiệp khách hàng trong nước và quốc tế; nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình Việt trong xu hướng tích cực sử dụng thực phẩm ngon miệng và an toàn.

Chứng nhận HACCP là sự xác thực chất lượng sản phẩm của Công ty Cổ phần Trình Nguyên Phát đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo được uy tín và lòng tin với khách hàng và người tiêu dùng. NL

Quốc gia sản xuất hạt điều hàng đầu thế giới nâng dự báo sản lượng năm 2023

Bờ Biển Ngà, nước sản xuất ca cao lớn nhất thế giới, đã trở thành nhà sản xuất hạt điều hàng đầu thế giới, với sản lượng khoảng 1 triệu tấn hàng năm.

Theo Hội đồng Bông và Hạt điều Bờ Biển Ngà công bố (22/6), dự báo sản lượng điều của quốc gia Tây Phi này được điều chỉnh tăng thêm 22% lên mức kỷ lục 1,25 triệu tấn. Bờ Biển Ngà, nước sản xuất ca cao lớn nhất thế giới, đã trở thành nhà sản xuất hạt điều hàng đầu thế giới, với sản lượng khoảng 1 triệu tấn hàng năm.

Theo Hội đồng dự báo sản lượng ban đầu là khoảng 1,05 triệu tấn trong năm 2023, tăng so với mức 1,028 triệu tấn năm 2022. Tuy nhiên, Adama Coulibaly – Lãnh đạo Hội đồng Bông và Hạt điều cho biết thêm: “những nhà buôn từ các nước láng giềng như Guinea, Mali và Ghana đã buôn lậu hạt điều của họ vào Bờ Biển Ngà trong năm nay vì thị trường này được coi là béo bở hơn”. Điều này khiến Hội đồng quan ngại vì chất lượng hạt điều sẽ không đồng đều.

Đến tháng 6/2023, các nhà chế biến địa phương đã đảm nhận 249.000 tấn hạt điều trong số mục tiêu 300.000 tấn cho niên vụ 2023. Đồng thời, Bờ Biển Ngà cũng đã xuất khẩu  593.000 tấn hạt điều sang Việt Nam và Ấn Độ, so với 455.315 tấn cùng kỳ năm ngoái.

Hiện nay, Bờ Biển Ngà đang cố gắng tăng lượng hạt điều chế biến tại địa phương, trong vài tháng tới 4 khu công nghiệp chế biến hạt điều đang được xây dựng ở miền bắc và miền trung của đất nước sẽ đi vào hoạt động và thúc đẩy năng lực chế biến trong nước. (Theo TTXVN+/Ảnh: Internet)

Trung Quốc tiếp tục là thị trường chính xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam

18 ngày đầu tháng 6/2023, Việt Nam đã xuất khẩu 11.305 tấn hồ tiêu, với trị giá 41,1 triệu USD, trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường chính của Việt Nam.

Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, 18 ngày đầu tháng 6/2023, Việt Nam đã xuất khẩu 11.305 tấn hồ tiêu, trong đó, tiêu đen đạt 9.778 tấn, tiêu trắng đạt 1.527 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu trong 18 ngày đầu tháng 6 đạt 41,1 triệu USD. Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu chính của hồ tiêu Việt Nam, đạt 2.657 tấn trong 18 ngày đầu tháng 6.

Cũng theo thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, xuất khẩu hồ tiêu trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt 131.777 tấn, đạt 408,9 triệu USD, tăng 30% về lượng nhưng giảm 12,7% giá trị do giá xuất khẩu giảm.

Xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Trung Quốc gia tăng sức ép cạnh tranh? Ảnh: Báo Công thương

Về thị trường, xuất khẩu hồ tiêu sang khu vực châu Á tiếp tục là điểm sáng trong 5 tháng đầu năm 2023, đạt 78.907 tấn, tăng 77,2% và chiếm 59,9% tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam; trong đó Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính đạt 46.169 tấn, chiếm 35% và tăng 1.668,9% so với cùng kỳ năm 2022; xuất khẩu vào Philippines đạt 3.305 tấn, tăng 26,1%.

Xuất khẩu sang khu vực châu Phi tăng 38,9%. Ở khu vực châu Mỹ, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 giảm 13,1% chiếm 18% thị phần; trong đó lượng xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm 15,5% đạt 21.093 tấn.

Khu vực EU hiện chiếm 16,8% tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam nhưng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2023 giảm 9,4% so với cùng kỳ.

Về nguyên nhân xuất khẩu hồ tiêu vào Hoa Kỳ và EU sụt giảm, bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cho hay các nhà mua hàng khu vực này có tâm lý chờ đón thêm hàng vụ mới từ Indonesia (tháng 7-8) và Brazil với hy vọng giá mua giảm xuống. Ngoài ra, lượng hàng tồn từ các năm trước đang còn khiến các nhà mua từ EU và Hoa Kỳ chưa vội tham gia thị trường trong 5 tháng qua.

Cũng theo bà Hoàng Thị Liên, tiêu Brazil luôn cạnh tranh về giá hơn tiêu Việt Nam nhưng đang bị kiểm soát về vấn đề nhiễm vi khuẩn Samonella ở thị trường EU nên hàng của Việt Nam vẫn có lợi thế ở thị trường này.

Gần đây, để đa dạng thị trường, tiêu Brazil cũng đã dần xuất hiện tại Trung Đông và châu Phi với giá chào thấp hơn Việt Nam nhờ có lợi thế về chi phí vận tải, vị trí địa lý.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam khuyến cáo doanh nghiệp cần cân nhắc và tỉnh táo, cẩn trọng đánh giá khả năng tài chính khi ký hợp đồng số lượng lớn, giao xa, giá thấp. Doanh nghiệp cũng cần chủ động trong tìm kiếm thị trường mới, tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế để kết nối với khách hàng trước sự cạnh tranh của các nước sản xuất khác như Brazil, Indonesia, Sri Lanka… (Theo Báo Công thương)

Từ 15/7/2023, quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu có gì mới?

Theo Thông tư 33/2023/TT-BTC, trước khi làm thủ tục hải quan với lô hàng xuất nhập khẩu, tổ chức cá nhân có đề nghị xác định xuất xứ hàng hóa thì nộp bộ hồ sơ đề nghị.

Kể từ ngày 15/7/2023, Thông tư số 33/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực. Thông tư này quy định hồ sơ đề nghị xác định trước xuất xứ gồm: 01 bản chính Đơn đề nghị xác định trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; 01 bản chụp Bảng kê khai chi phí sản xuất và Bảng khai báo xuất xứ của nhà sản xuất, nhà cung cấp nguyên liệu trong nước trong trường hợp nguyên liệu, vật tư đó được sử dụng cho một công đoạn tiếp theo để sản xuất ra một hàng hóa khác; 01 bản chụp quy trình sản xuất hoặc Giấy chứng nhận phân tích thành phần (nếu có); 01 bản chụp catalogue hoặc hình ảnh hàng hóa.

Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị xác định trước xuất xứ đến Tổng cục Hải quan trong thời hạn quy định tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.

Tổng cục Hải quan tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và thực hiện thủ tục xác định trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định tại Điều 28 Luật Hải quan và khoản 11 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP.

Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu trên cơ sở kiểm tra nội dung khai của người khai hải quan, văn bản thông báo kết quả xác định trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu (nếu có), chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa (nếu có) và xử lý như sau:

Trường hợp kết quả kiểm tra phù hợp với nội dung khai của người khai hải quan trên tờ khai hải quan thì chấp nhận xuất xứ hàng hóa.

Trường hợp Chi cục Hải quan có đủ căn cứ xác định xuất xứ hàng hóa không đúng theo nội dung khai của người khai hải quan trên tờ khai hải quan thì xử lý theo quy định và yêu cầu người khai hải quan khai bổ sung theo quy định tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC.

Trường hợp Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan có cơ sở nghi ngờ xuất xứ hàng hóa xuất khẩu hoặc có thông tin cảnh báo về gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp thì thực hiện như sau: Thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa theo phương thức, mức độ do Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quyết định.

Trong khi chờ kết quả kiểm tra, xác minh xuất xứ, hàng hóa xuất khẩu được thực hiện thủ tục hải quan, thông quan theo quy định. (Theo Báo Công thương)

error: Nội dung và bản quyền thuộc về CTY Cổ Phần Trình Nguyên Phát !!!