Category Archives

Posts in Tin tức category.
Campuchia muốn trở thành nhà sản xuất, cung ứng hạt điều hàng đầu khu vực

Bộ Thương mại Campuchia vừa công bố thực hiện chính sách quốc gia về ngành điều giai đoạn 2022-2027 với tham vọng đưa quốc gia Đông Nam Á này trở thành nước sản xuất, chế biến và xuất khẩu hạt điều hàng đầu khu vực.

Chính sách quốc gia về ngành điều giai đoạn 2022-2027 của Campuchia hướng tới ba mục tiêu chính: gia tăng sản lượng và năng lực sản xuất với chất lượng cạnh tranh; đẩy mạnh công nghiệp hóa nhằm tăng giá trị gia tăng từ khâu thu hoạch cũng như tăng chế biến phụ phẩm ngành điều đạt 25% vào năm 2027 rồi lên ít nhất 50% vào năm 2032; đẩy mạnh xuất khẩu thông qua việc đa dạng hóa thị trường gắn với liên thông nhiều lĩnh vực trong hoạt động xuất khẩu. Mục tiêu nhằm thuận lợi hóa hoạt động thương mại, giảm giá thành và nâng cao thế mạnh của điều Campuchia trên thị trường.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Campuchia xác định ba giải pháp chiến lược trong các công đoạn sản xuất, chế biến và xuất khẩu gắn với chương trình hành động cụ thể, có sự tham gia của nhiều cơ quan, bộ ngành liên quan.

Phát biểu tại sự kiện công bố chính sách quốc gia về ngành điều giai đoạn 2022-2027 vào trung tuần tháng này, ông Pan Sorasak, Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia, cho biết chính sách này hướng tới tầm nhìn phát triển sản xuất, chế biến và tiếp thị sản phẩm hạt điều mang tính cạnh tranh bền vững và đa dạng hóa nền kinh tế. Mục tiêu hướng tới là đưa Campuchia trở thành quốc gia hàng đầu trong hoạt động sản xuất và cung ứng sản phẩm hạt điều cho thị trường trong nước, khu vực và thế giới.

Ông Pan Sorasak bày tỏ tin tưởng việc ban hành chính sách trên sẽ góp phần thúc đẩy phát triển ngành điều, giúp Campuchia sớm trở thành quốc gia hàng đầu về chế biến và xuất khẩu hạt điều trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia, chính sách mới ban hành này sẽ hỗ trợ các bên tham gia hiện hữu và thu hút thêm nguồn lực đầu tư vào chuỗi sản xuất để phát triển ngành hàng này theo hướng duy trì thị trường cũ, mở rộng tìm kiếm các thị trường mới. Điều này sẽ mở ra cơ hội việc làm và mang lại giá trị gia tăng cho người dân, góp phần giảm đói nghèo, hạn chế tình trạng ly hương tìm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.

Theo Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia, năm 2022 Campuchia đã xuất khẩu 471.520 tấn hạt điều thô và 1.557 tấn hạt điều nhân. (Theo nhipsongkinhdoanh.vn/Ảnh: Công ty CP Trình Nguyên Phát)

Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp phía Bắc, Bắc Trung Bộ với doanh nghiệp xuất khẩu

Hội nghị là hoạt động xúc tiến thương mại cấp khu vực quan trọng, với sự tham gia của hầu hết các địa phương khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực phía Bắc, Bắc Trung Bộ với doanh nghiệp xuất khẩu, tổ chức xúc tiến thương mại diễn ra chiều ngày 16/6/2023.

Hội nghị là sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình cấp Quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2023 do Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ chỉ đạo thực hiện.

Tham gia Hội nghị có hơn 200 đại biểu tham dự, gồm: Đại diện Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và Bắc Trung, Lãnh đạo Bộ Công Thương, các Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư – thương mại, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, các Hiệp hội ngành hàng, tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài và các doanh nghiệp.

Tại hội nghị, các đại biểu cùng tham gia hai phiên thảo luận kết nối tiêu thụ sản phẩm địa phương thông qua kênh tiêu thụ trong nước và vào hệ thống phân phối tại thị trường nước ngoài.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong bối cảnh thế giới vẫn còn phần nào bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và căng thẳng chính trị diễn ra ở một số thị trường có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng bị tác động và gặp nhiều khó khăn. 5 tháng 2023, mặc dù có những tín hiệu tích cực, về xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp mới được thành lập nhưng so với thời gian trước đây, bức tranh kinh tế cũng như tình hình hoạt động của doanh nghiệp vẫn rất khó khăn. “Vì thế, việc hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước là việc làm hết sức quan trọng. Đây cũng là nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương“- Thứ trưởng nêu rõ.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, tích cực củng cố và phát triển thị trường trong nước đẩy mạnh xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua các hình thức xúc tiến thương mại khác nhau được tổ chức thường xuyên, liên tục như: hội nghị kết nối giao thương, hội chợ triển lãm trực tuyến và trực tiếp, tạo ra nhiều kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các nhà nhập khẩu nước ngoài tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và tiềm năng, góp phần thiết thực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, duy trì ổn định kinh tế trong bối cảnh đại dịch.

Thứ trưởng cho rằng, Hội nghị được tổ chức lần này là hoạt động xúc tiến thương mại cấp khu vực quan trọng, với sự tham gia của hầu hết các địa phương khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ, với sự tham gia của nhiều địa phương, doanh nghiệp là tín hiệu tích cực, trong thời điểm khó khăn. (Theo Báo Công thương)

Thị trường tăng mua, giá tiêu tiếp tục tăng

Trong 5 tháng, Việt Nam xuất khẩu được 131.777 tấn hồ tiêu các loại, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá tiêu trong nước tiếp tục tăng với mức tăng tại các vùng trọng điểm.

Tại khu vực Tây Nguyên, giá tiêu ngày 14/6 dao động quanh mốc 71.000 – 72.500 đồng/kg. Khu vực Đông Nam bộ, giá tiêu tiếp tục tăng 500 đồng/kg. Tại Bà Rịa Vũng Tàu, thương lái thu mua ở mức 74.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg. Tại Bình Phước giá tiêu ở mức 73.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg; Đồng Nai 72.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.

Giá tiêu tại thị trường trong nước tiếp tục điều chỉnh tăng 500 đồng/kg. Đây là phiên tăng thứ 2 liên tiếp trong tuần. Sau 2 phiên điều chỉnh, giá tiêu trong nước đã tăng từ 1.000 – 2.000 đồng/kg. Theo đó, tại khu vực Tây Nguyên, giá tiêu tăng 1.000 đồng tại Gia Lai, tăng 1.500 đồng/kg tại Đắk Lắk, Đắk Nông. Tại Đông Nam bộ, giá tiêu tăng 2.000 đồng/kg. Thị trường đang có dấu hiệu tăng mua.

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết mức giá giảm với tiêu Indonesia. Theo đó, giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 3.766 USD/tấn, giảm 0,13%; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 3.350 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn.

Giá tiêu trắng Muntok 6.219 USD/tấn; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn.

Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 3.500 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550 g/l mức 3.600 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 5.000 USD/tấn.

Với các quốc gia còn lại, giá tiêu đi ngang. Giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 3.350 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn.

Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 3.500 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550 g/l mức 3.600 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 5.000 USD/tấn.

Số liệu thống kê từ Hiệp hội hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, trong 5 tháng, Việt Nam xuất khẩu được 131.777 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 119.832 tấn, tiêu trắng đạt 11.945 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 408,9 triệu USD; trong đó, tiêu đen đạt 354,1 triệu USD, tiêu trắng đạt 54,7 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái lượng tiêu xuất tăng 30%. (Theo Báo Công thương)

Thị trường Australia: những lưu ý đối với doanh nghiệp Việt

Hạt điều, dừa, sầu riêng Ri6, gạo ST25,… đã có thương hiệu tại Australia. Doanh nghiệp không được trộn hàng loại 2 để phá giá, sẽ ảnh hưởng tới thương hiệu nông sản Việt.

Trong thời gian qua, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ quảng bá sản phẩm của Việt Nam được Thương vụ Việt Nam tại Australia triển khai một cách tích cực, hiệu quả. Theo đó, Thương vụ đã hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Hội chợ quốc tế Foodservice (tháng 4); phối hợp Đại sứ quán quảng bá “Make in Viet Nam” tại Hội chợ quốc tế Foodservice, trong đó, tập trung các ngành nông sản chủ lực có thế mạnh của Việt Nam; phối hợp Đại sứ quán và doanh nghiệp tổ chức các sự kiện dùng thử sản phẩm…

Thương vụ Việt Nam tại Australia cũng đã hỗ trợ cung cấp thông tin về môi trường đầu tư kinh doanh, giải đáp các thắc mắc về quy định kinh doanh của Việt Nam, hỗ trợ các tập đoàn nước ngoài tìm hiểu, mở rộng, tăng cường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam…

Trong bối cảnh xuất khẩu gặp thách thức, việc tổ chức các đoàn đi xúc tiến thúc đẩy xuất khẩu cần tập trung vào các Hội chợ quốc tế tại Australia để mang lại hiệu quả thật sự. Việc lập các hội nhóm cá nhân, không có mạng lưới doanh nghiệp đủ lớn không mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.

Thương vụ Việt Nam tại Australia khuyến nghị các địa phương, doanh nghiệp, đoàn giao thương tập trung vào một số Hội chợ chính tại Australia như: Hội chợ Công nghệ thực phẩm; Hội chợ Nông thủy sản, thực phẩm; Triển lãm về năng lượng.

Thương vụ cũng lưu ý, sau nỗ lực xây dựng thương hiệu, sầu riêng Ri6, gạo ST25, mít đông lạnh, chanh leo đông lạnh, hạt điều, dừa Việt Nam đã có thương hiệu tại thị trường này. Do đó, doanh nghiệp không nên trộn hàng loại 2 để phá giá, việc này sẽ làm người tiêu dùng quay lưng với nông sản Việt Nam.

Đối với doanh nghiệp đang có đơn hàng chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Australia cần đảm bảo việc hàng hóa đã đáp ứng các điều kiện nhập khẩu an toàn sinh học và chuẩn bị đầy đủ tài liệu nhập khẩu tối thiểu theo quy định của Australia. Đảm bảo các thùng chứa hàng hóa và thực phẩm nhập khẩu phải tuân thủ đúng yêu cầu, sạch sẽ để hạn chế các rủi ro sẽ ảnh hưởng tới tiến độ kiểm tra hàng hóa. Đồng thời, cần cập nhật thường xuyên những quy định của Australia; chủ động theo dõi, trao đổi với nhà nhập khẩu, đơn vị tư vấn luật, Thương vụ Việt Nam tại Australia để tránh vướng mắc phát sinh trong quá trình xuất khẩu hàng hóa. (Theo Báo Công thương/Ảnh: Công ty CP Trình Nguyên Phát)

Sẽ sớm thành lập các hiệp hội doanh nghiệp nông sản Việt Nam – Trung Quốc

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị ưu tiên các mặt hàng tươi sống vào vụ thu hoạch nhằm giảm ùn ứ, thúc đẩy giao thương nông, lâm thủy sản thông qua các cửa khẩu hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam – Trung Quốc.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa báo cáo Thủ tướng các giải pháp cấp bách nhằm giảm ùn ứ và thúc đẩy xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Bộ NN&PTNT đã cử đoàn công tác do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu sang làm việc với chính quyền, Cục Hải quan hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam – Trung Quốc; đồng thời tham gia tổ chức Diễn đàn kết nối giao thương nông lâm thủy sản giữa Việt Nam – Trung Quốc qua hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam với sự tham gia của 17 doanh nghiệp Việt Nam sản xuất kinh doanh nông sản, thủy sản lớn từ các vùng miền trong cả nước và 117 doanh nghiệp Trung Quốc.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam trao đổi với lãnh đạo tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Ảnh: Đặng Lôi Nhã.

Tại các cuộc hội đàm với lãnh đạo chính quyền Quảng Tây và Vân Nam, hai bên đã thống nhất chỉ đạo các đơn vị hải quan, kiểm dịch cơ chế thường xuyên giao lưu trao đổi quy trình nghiệp vụ, cập nhật thông tin phối hợp thông quan nhanh.

Đặc biệt, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị ưu tiên các mặt hàng tươi sống vào vụ thu hoạch nhằm giảm ùn ứ, thúc đẩy giao thương nông, lâm thủy sản thông qua các cửa khẩu hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam.

Hai bên nhất trí tổ chức Hội chợ xúc tiến thương mại biên giới luân phiên hàng năm tại Quảng Tây, Vân Nam và các tỉnh của Việt Nam có chung biên giới; thống nhất chủ trương về xúc tiến thành lập 2 Hiệp hội doanh nghiệp nông sản Việt Nam – Quảng Tây và Việt Nam – Vân Nam.

Về lâu dài, hai bên nhất trí sẽ tiến đến ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ NN&PTNT với chính quyền Quảng Tây, Vân Nam trong lĩnh vực nông nghiệp vào 9/2023 nhân dịp Hội chợ Trung Quốc – ASEAN.

Hai bên đã thống nhất một số giải pháp nhằm tăng năng lực thông quan như tăng số lượng doanh nghiệp ưu tiên; hợp tác xuất nhập khẩu một cửa một điểm dừng; thực hiện cơ chế trao đổi mẫu chứng nhận kiểm dịch, công nhận lẫn nhau; nghiên cứu đưa hệ thống cửa khẩu thông minh vào hoạt động thí điểm…

Hai bên sẽ tổ chức họp luân phiên thường niên vào tháng 11 hàng năm để rà soát, đánh giá kết quả hợp tác trong năm đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất nhập khẩu và định hướng triển khai trong năm tiếp theo. (Theo Tiền Phong)

Xuất khẩu hạt điều tăng trưởng khả quan

Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam ước tính đạt 219 nghìn tấn, trị giá 1,28 tỷ USD, tăng 8,0% về lượng và tăng 5,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ước tính của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong tháng 5/2023 đạt 57 nghìn tấn, trị giá 331 triệu USD, tăng 10,9% về lượng và tăng 8,3% về trị giá so với tháng 4/2023, so với tháng 5/2022 tăng 13,9% về lượng và tăng 8,3% về trị giá. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam ước tính đạt 219 nghìn tấn, trị giá 1,28 tỷ USD, tăng 8,0% về lượng và tăng 5,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Tháng 5/2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam ước đạt mức 5.805 USD/tấn, giảm 2,3% so với tháng 4/2023 và giảm 4,9% so với tháng 5/2022. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam ước đạt mức 5.850 USD/tấn, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Về chủng loại 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu chủng loại hạt điều W320, W240, W180, tỷ trọng chiếm 62,3% tổng lượng và 69,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều các loại. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu các chủng loại hạt điều trên đã tác động tích cực lên toàn ngành.

Chủng loại hạt điều của Việt Nam xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2023

xuat khau hat dieu

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 4/2023, xuất khẩu hạt điều W320 đạt 20,61 nghìn tấn, trị giá 130,44 triệu USD, tăng 3,4% về lượng và tăng 3,6% về trị giá so với tháng trước, nhưng so với tháng 4/2022 giảm 0,6% về lượng và giảm 0,2% về trị giá. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hạt điều W320 đạt 67,75 nghìn tấn, trị giá 427,11 triệu USD, tăng 6,8% về lượng và tăng 3,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 4 tháng đầu năm 2023, tỷ trọng xuất khẩu hạt điều W320 chiếm 41,7% tổng lượng và 44,8% tổng kim ngạch của cả nước.

Tương tự, 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu các chủng loại hạt điều W240, W180 tăng lần lượt 5,4% và 57,4% về lượng, xét về kim ngạch tăng 5,2% và 48,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 24,15 nghìn tấn và 9,28 nghìn tấn, trị giá 164,35 triệu USD và 70,86 triệu USD.

Ngược lại, Việt Nam giảm xuất khẩu một số chủng loại hạt điều trong 4 tháng đầu năm nay, gồm: hạt điều WS/WB, SP, W210, DW. Nhìn chung, xuất khẩu các chủng loại trên ở mức thấp. (Theo Tạp chí Công thương)

Gỡ khó cho doanh nghiệp nhập khẩu hạt điều từ châu Phi

Do doanh nghiệp nhập khẩu hạt điều phục vụ xuất khẩu từ các nước châu Phi, nhưng những quốc gia này không nằm trong danh sách được xuất khẩu sản phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam, nên lượng nguyên liệu điều không thể chuyển tiêu thụ nội địa một khi thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp gặp khó.

Theo một lãnh đạo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, qua công tác kiểm tra sau thông quan, thời gian qua cơ quan hải quan đã phát hiện một số trường hợp DN tự ý đưa nguyên liệu nhập theo loại hình sản xuất xuất khẩu vào tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Nhập nguyên liệu tiêu thụ tại thị trường nội địa nhưng không khai báo

Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, các DN này có thị trường xuất khẩu ổn định. Nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, do tình hình khó khăn chung trên thế giới, các DN gặp khó khăn trong việc tìm thị trường xuất khẩu sản phẩm, Trung Quốc lại đóng biên kéo dài nên việc xuất khẩu bằng đường bộ cũng không thực hiện được.

Do mặt hàng điều để lâu sẽ kém chất lượng và không sử dụng được, DN lại không thể chuyển tiêu thụ nội địa được do không được kiểm tra an toàn thực phẩm, dẫn đến tình trạng một số DN tự ý tiêu thụ vào thị trường trong nước để giảm thiểu thiệt hại và thu hồi vốn.

Đề xuất cho phép kiểm tra chuyên ngành nếu chuyển tiêu thụ nội địa

Theo quy định, khi các DN đăng ký nhập hạt điều thô làm nguyên liệu sản xuất xuất khẩu để được hưởng chính sách về thuế và một số chính sách ưu đãi khác, kể cả quy định về kiểm tra chuyên ngành. Trường hợp DN còn hạt điều thô là nguyên liệu nhập khẩu hoặc có thành phẩm là hạt điều nhân được sản xuất từ nguồn nhập khẩu mà muốn chuyển loại hình sang tiêu thụ tại Việt Nam, thì phải thực hiện các quy định về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, cả DN và cơ quan hải quan phải chiếu theo danh mục mà Cục Bảo vệ Thực vật công bố danh sách các nước được phép xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam (đến thời điểm hiện nay là 48 nước).

Tuy nhiên, các nước châu Phi nơi DN nhập khẩu nguyên liệu lại không nằm trong danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức, cá nhân được xuất khẩu các sản phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam (Công văn số 906/BVTV-ATTPMT ngày 5/4/2018 của Cục Bảo vệ Thực vật), nên cơ quan kiểm tra chuyên ngành không tiếp nhận kiểm tra đối với các trường hợp này.

Để tháo gỡ khó khăn cho DN đối với những tình huống phát sinh này, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất giải pháp, đó là đề nghị cơ quan quản lý chuyên ngành cho DN đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm khi DN có nhu cầu thay đổi mục đích sử dụng đối với mặt hàng điều xuất xứ châu Phi, nhằm giải thiểu thiệt hại một khi thị trường xuất khẩu của DN gặp khó./. (Theo Thời báo Tài chính Việt Nam)

Tháng 4/2023, giá hạt điều xuất khẩu đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2022

Tháng 4/2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều có xu hướng tăng, đạt 5.944 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 10/2022.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong tháng 4/2023 đạt xấp xỉ 51,4 nghìn tấn, trị giá 305,48 triệu USD, tăng 3,4% về lượng và tăng 3,5% về trị giá so với tháng 3/2023, so với tháng 4/2022 tăng 5,6% về lượng và tăng 5,2% về trị giá. Với con số này, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam tháng 4/2023 đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2021.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 162,4 nghìn tấn, trị giá 952,5 triệu USD, tăng 6,1% về lượng và tăng 4,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Tháng 4/2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.944 USD/tấn – mức cao nhất kể từ tháng 10/2022. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.865 USD/tấn, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Tháng 4/2023, xuất khẩu hạt điều sang nhiều thị trường chủ lực và tiềm năng (Hoa Kỳ, Hà Lan, Australia, Canada, Đức…) giảm so với cùng kỳ năm 2022, nhưng xuất khẩu sang Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống, Anh, Ả rập Xê út, Nhật Bản tăng.

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, quốc gia này nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam đạt xấp xỉ 4,72 nghìn tấn, trị giá 27,72 triệu USD, tăng 20,6% về lượng và tăng 7,2% về trị giá.

Đáng chú ý, Trung Quốc có xu hướng chuyển dịch sang nhập khẩu hạt điều từ các thị trường khu vực châu Phi như Benin, Bờ Biển Ngà, Togo, Tanzania.

(Theo Báo Công Thương/Ảnh: CT CP Trình Nguyên Phát)

Giá hồ tiêu được đà tăng trở lại, cao nhất 76.500 đồng/kg

Giá tiêu ngày 15/5 bất ngờ tăng trở lại sau 2 phiên điều chỉnh giảm. Hiện giá tiêu trong nước dao động quanh mốc 73.000 – 76.500 đồng/kg.

Tại khu vực Tây Nguyên, giá tiêu hôm nay dao động quanh mức 73.000 – 74.500 đồng/kg. Cụ thể, ở Gia Lai, giá tiêu được thương lái thu mua ở mức 73.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg. Tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, giá tiêu tăng 1.000 đồng/kg lên mức 74.500 đồng/kg.

Tương tự, tại Đông Nam bộ, giá tiêu cũng tăng 1.000 đồng/kg. Tiêu tại Bà Rịa Vũng Tàu đang được thương lái thu mua ở mức 76.500 đồng/kg; tại Đồng Nai và Bình Phước, giá tiêu cũng đứng ở mức 76.000 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 3.565 USD/tấn; giá tiêu trắng Muntok 6.043 USD/tấn.

Với các quốc gia còn lại, giá tiêu đi ngang. Cụ thể, giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 2.950 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn.

Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 3.500 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550g/l mức 3.600 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 5.000 USD/tấn.

Trong vòng 3 tuần qua, thị trường hồ tiêu trong nước đã có 3 đợt tăng giá, đợt 1 từ 25 – 28/4, đợt 2 từ 4 – 7/5, đợt 3 từ 9/5 – 11/5. Lo ngại nguồn cung suy giảm, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu là nguyên nhân chính của các đợt tăng giá vừa qua.

Các chuyên gia nhìn nhận, nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu rất lớn từ thị trường Trung Quốc, bên cạnh nhu cầu từ Trung Đông sau một thời gian dài của tháng Ramadan. Các nước khu vực Trung Đông đã tăng lượng mua hàng từ Việt Nam khá lớn trong tuần qua với đơn hàng giao ngay.

Bên cạnh đó, việc 2 tập đoàn lớn của Việt Nam với nguồn tài chính dồi dào thu mua và găm hàng hồ tiêu đã đẩy giá tiêu tiếp tục tăng. (Theo Báo Công Thương/Ảnh: Báo Đak Nông)

4 tháng đầu năm, Việt Nam chi hơn 1 tỷ USD nhập khẩu hạt điều

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm nay, nước ta chi ra 1,06 tỷ USD để nhập khẩu gần 795.500 tấn hạt điều, tăng 4,8% về lượng nhưng giảm 7,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Campuchia tiếp tục là thị trường cung cấp hạt điều nhiều nhất cho Việt Nam. Theo đó, nước ta chi gần 676 triệu USD để nhập khẩu điều từ Campuchia, chiếm gần 63,8% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này.

Tanzania, Bờ Biển Ngà, Ghana là những thị trường tiếp theo cung cấp hạt điều cho Việt Nam với kim ngạch lần lượt là 149,1 triệu USD, 58 triệu USD và 36 triệu USD.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong 4 tháng năm 2023 chỉ đạt 952,5 triệu USD. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5.846 USD/tấn, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2022. 

Dù xuất khẩu tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, song ngành điều Việt Nam vẫn đang nhập siêu.

Mới đây, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) phải gửi văn bản “cầu cứu” tới Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).

Theo Vinacas, chủ trương của các nước trồng điều châu Phi (gần đây có cả Campuchia) là phát triển công nghiệp chế biến nội địa, giảm dần xuất thô. Vì vậy, họ đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư các nhà máy chế biến điều. Với điều thô xuất khẩu, họ quy định và giám sát chặt giá xuất khẩu tối thiểu; áp mức thuế suất xuất khẩu cao. Trái lại, họ miễn thuế cho điều nhân xuất khẩu.

Còn tại Việt Nam, cả điều thô và điều nhân khi nhập vào trong nước để chế biến, xuất khẩu đều được miễn thuế.

Với chính sách trên, để tồn tại, các doanh nghiệp chế biến lớn của Việt Nam sẽ chuyển sang nhập khẩu, thu hẹp sản xuất theo hướng tập trung vào vài công đoạn cuối, bỏ phí phần lớn dây chuyền hiện đại đã đầu tư.

Vinacas cũng lo ngại, các doanh nghiệp chế biến điều xuất khẩu, chủ yếu là các nhà máy FDI, sẽ chặn dần nguồn nguyên liệu hạt điều thô của các nhà máy Việt Nam, khiến các nhà máy nhỏ và vừa bị phá sản, tiến tới chiếm lĩnh thị trường điều nhân thế giới. (Theo Vietnamnet/Ảnh: CT CP Trình Nguyên Phát)

error: Nội dung và bản quyền thuộc về CTY Cổ Phần Trình Nguyên Phát !!!