Mặc dù ngành chế biến và xuất khẩu điều được cảnh báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 nhưng các doanh nghiệp vẫn còn nhiều cơ hội để tăng vị thế xuất khẩu.

Ông Marc RosenBlatt, Đại diện công ty The Richard Franco Agency (Mỹ), cho biết người tiêu dùng Mỹ và châu Âu rất chú trọng đến an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn môi trường sản xuất khi quyết định lựa chọn một sản phẩm để bỏ vào giỏ hàng. Đồng thời, người tiêu dùng tại 2 thị trường này cũng rất thích sử dụng hạt điều, bởi hàm lượng dinh dưỡng có trong hạt. Việc lựa chọn các loại hạt từ trồng trọt để bổ sung lượng protein cho cơ thể luôn luôn tốt hơn khi lựa chọn nguồn đạm động vật. Vì vậy, dù khó nhưng ngành điều vẫn còn có cơ hội nếu cả doanh nghiệp lẫn nông dân hướng đến sản xuất xanh để cung ứng cho tiêu dùng quốc tế. Do đó, hạt điều sạch, an toàn môi trường sẽ luôn được ưu tiên lựa chọn đối với giới trẻ châu Âu lẫn châu Á.

Hiện hạt điều đang ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tiêu dùng các loại hạt của người tiêu dùng thế giới.

Với lợi thế thấy được từ trong khó khăn, ngành điều đặt mục tiêu xuất khẩu trong năm 2023 là 3,1 tỷ USD, tuy giảm hơn so với năm 2022, nhưng cũng là một thử thách lớn cho toàn ngành.

Là địa phương đi đầu cả nước trong sản xuất điều. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước, hiện nay tỉnh Bình Phước có hơn 3.200ha điều hữu cơ, được cấp giấy chứng nhận hữu cơ của Mỹ và tiêu chuẩn Fair Trade của châu Âu, 15/22 sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh xuất từ hạt điều./. ​​​​​​(Theo TTXVN)