Nhu cầu của các thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới là đang ưu tiên cà phê chế biến. Đây là xu hướng bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn tăng xuất khẩu cà phê.
Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm 2023, Tổng cục Thống kê ước tính xuất khẩu cà phê trong tháng 9 của Việt Nam đạt 65.000 tấn, giảm mạnh 32,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính lũy kế 9 tháng đầu năm khối lượng xuất đi thấp hơn 7,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Lượng giảm, nhu cầu tăng, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam hiện đã đạt mức kỷ lục. Giá cà phê xuất khẩu trung bình trong nửa đầu tháng 9/2023 tiếp tục tăng, đạt 3.151 USD/tấn, tăng 6,3% so với nửa đầu tháng 8/2023 và 32,1% so với cùng kỳ, là mức giá rất cao trong nhiều năm trở lại đây.
Trong khi đó, giá Arabica tiếp tục suy yếu trong tuần thứ hai liên tiếp với mức giảm 3,3% so với tham chiếu. Triển vọng nguồn cung tích cực tại Brazil kết hợp cùng nhu cầu bán hàng gia tăng của nông dân nước này đã gây sức ép lên giá.
Sự trái chiều trong quyết định điều hành chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương Brazil (BCB) đã khiến tỷ giá USD/Brazil Real tăng gần 2% trong tuần qua. Chênh lệch tỷ giá ngày càng nới lỏng đã kích thích nhu cầu bán cà phê từ nông dân Brazil do thu về nhiều nội tệ hơn.
Xuất khẩu cà phê Sumatra Robusta trong tháng 8 của Indonesia đạt 16.166 tấn, giảm gần 55,5% so với mức 36.313 tấn được vận chuyển trong cùng kỳ năm trước, dữ liệu từ chính phủ nước này.
Hiện nay xu hướng sử dụng cà phê trên thế giới là ưu tiên cho cà phê chất lượng cao. Hiện nay những nhà nhập khẩu cà phê lớn nhất của nước ta như Hoa Kỳ và EU đang có sự chuyển dịch từ nhập khẩu cà phê Robusta dạng hạt sang cà phê đã qua chế biến. Trong đó, Hoa Kỳ ngày càng nhập khẩu nhiều cà phê Arabica hơn; giảm dần nhập khẩu cà phê Robusta, từ mức 6,1 triệu bao (366.000 tấn) trong niên vụ 2011/2012 xuống còn 3,6 triệu bao trong niên vụ 2020/2021. Cùng với đó, tỷ trọng nhập khẩu cà phê qua chế biến tăng từ 3,1% trong niên vụ 2018/2019 lên 6,4% trong ước tính niên vụ 2023/2024.
Còn theo số liệu thống kê từ Liên đoàn Cà phê châu Âu (ECF), tại EU, tỷ lệ cà phê qua chế biến cũng tăng từ 2,3% trong năm 2017 lên 5,5% tổng sản phẩm cà phê được nhập khẩu vào năm 2021.
Để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao giá trị cho cà phê của Việt Nam, ngay từ cuối năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 5499/QĐ-BNN-CB phê duyệt quy hoạch hệ thống chế biến, bảo quản cà phê gắn với sản xuất và xuất khẩu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, Việt Nam sẽ ưu tiên đầu tư các cơ sở chế biến sâu, để gia tăng giá trị sản phẩm cà phê và hướng tới phát triển bền vững. Cụ thể, đến năm 2030, cà phê nhân chỉ còn chiếm 55-70% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê, còn lại là cà phê đã qua chế biến. (Theo Báo Công thương/Ảnh: Internet)