Author Archives: Nguyễn Thị Ngọc Lan

Điều nhân được đề nghị đưa ra khỏi danh mục kiểm dịch thực vật

Ông Lê Sơn Hà, Trưởng Phòng Kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, sẽ kiến nghị lên Bộ NN-PTNT đưa mặt hàng này ra khỏi danh mục kiểm dịch thực vật, vì nguy cơ gần như không có.

Tại cuộc họp phổ biến các quy định pháp luật về kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) tổ chức ở TPHCM mới đây, ghi nhận phản ánh của Hội Điều Bình Phước trước đó về vướng mắc, gây khó khăn cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nhân điều, ông Lê Sơn Hà, Trưởng Phòng Kiểm dịch thực vật (KDTV) cho biết, sẽ kiến nghị lên Bộ NN-PTNT đưa mặt hàng này ra khỏi danh mục KDTV, vì nguy cơ gần như không có.

Trước đó, ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước cho biết, trong quá trình chế biến, nhân hạt điều đã được làm chín rất kỹ. Điều thô được hấp ở nhiệt độ trên 100 độ C, trên 30 phút. Nhân điều có vỏ lụa tiếp tục được sấy ở nhiệt độ từ 70-80 độ C trong 18 tiếng. Nhân hạt điều trước khi đóng gói được xử lý hun trùng, sau đó được đóng gói chân không, bảo quản trong 24 tháng.

Các quốc gia như Hoa Kỳ, Úc dù quy định KDTV rất nghiêm ngặt với các sản phẩm nguồn gốc thực vật nhập khẩu, cũng chỉ kiểm tra hạt điều từ Việt Nam với xác suất chưa đến 1%. Bởi vì, họ coi hạt điều như là thực phẩm đã được làm chín.

Ngoài ra, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cũng giải thích và hướng dẫn các doanh nghiệp (DN) về một số vướng mắc trong việc xác định nguồn gốc hạt giống nhập khẩu từ nước thứ ba, về việc nhập khẩu bột mỳ, về chữ ký điện tử…

Theo đại diện Cục BVTV, để cấp Giấy chứng nhận KDTV xuất khẩu hoặc tái xuất, cần kiểm tra tính hiệu lực mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, và kiểm tra việc đảm bảo tuân thủ các điều kiện để được cấp. Đây là yêu cầu bắt buộc của các thị trường nhập khẩu và thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo tuân thủ quy định về KDTV, an toàn thực phẩm cũng như truy xuất nguồn gốc.

Với việc KDTV nhập khẩu, DN cần nắm quy định, thủ tục, hoạt động kiểm tra về an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu; cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật quá cảnh… đang được thực hiện tại các Chi cục KDTV vùng (thuộc Cục BVTV).

Hiện nay, yêu cầu đòi hỏi đẩy mạnh xúc tiến mở cửa thị trường, tạo điều kiện thuận lợi trong thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, việc KDTV vừa phải đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam nhưng cũng phải đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, vừa phải nâng cao giá trị, chất lượng và uy tín hàng hóa nông sản của Việt Nam, tuân thủ các cam kết tại Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) của WTO và các hiệp định thương mại FTA mà Việt Nam đã ký.

Theo đại diện Cục BVTV, để cấp Giấy chứng nhận KDTV xuất khẩu hoặc tái xuất, cần kiểm tra tính hiệu lực mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, và kiểm tra việc đảm bảo tuân thủ các điều kiện để được cấp. Nhất là các sản phẩm rau củ quả tươi như thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, chanh, bưởi, măng cụt, dưa hấu, mít, chuối, thạch đen và khoai lang xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Thái Lan, Ả rập xê út… Đây là yêu cầu bắt buộc của các thị trường nhập khẩu và thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo tuân thủ quy định về KDTV, an toàn thực phẩm cũng như truy xuất nguồn gốc.

Với việc KDTV nhập khẩu, DN cần nắm quy định, thủ tục, hoạt động kiểm tra về an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu; cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật quá cảnh… đang được thực hiện tại các Chi cục KDTV vùng (thuộc Cục BVTV).

Ông Đặng Văn Hoàng, Chi Cục trưởng Chi cục KDTV vùng 2 cho biết, cuộc họp nhằm minh bạch hóa các quy định, thủ tục hành chính, cũng như đồng hành cùng các DN khi thực hiện các quy định về KDTV xuất nhập khẩu một cách hiệu quả. Các DN cần nắm rõ quy định trong nước cũng như cập nhật những thay đổi các quốc gia nhập khẩu từ đối tác để không vi phạm, gây thiệt hại quyền lợi DN cũng như hình ảnh các mặt hàng nông sản Việt Nam. (Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng/Ảnh: Công ty CP Trình Nguyên Phát)

Xuất khẩu điều kỳ vọng sức bật mạnh hơn vào cuối năm

Xuất khẩu điều đang có sự tăng trưởng mạnh; nhập khẩu điều về chế biến xuất khẩu cũng tăng trưởng không kém.

Số liệu từ Hiệp hội Điều Việt Nam cho thấy, tháng 8 xuất khẩu điều nhân đạt gần 64.000 tấn với giá trị đạt gần 343,4 triệu USD, tăng trên 38% về lượng và gần 32% về giá trị. Mức tăng trưởng rất cao nhưng vẫn thấp hơn tháng 2/2023 (gần 39%).

Như vậy, 8 tháng năm 2023, xuất khẩu điều đạt gần 400.000 tấn với giá trị 2,256 tỷ USD, tăng gần 16% về lượng và gần 13% về giá trị. Thị trường xuất khẩu điều chính của Việt Nam là Mỹ chiếm trên 21% thị phần; tiếp đến là Trung Quốc với trên 95%…

Về nhập khẩu, tháng 8 nhập khẩu điều thô đạt 367.281 tấn với giá trị đạt 370,4 triệu USD, tăng trên 87% về lượng và trên 48% về giá trị. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong những tháng gần đây nhưng vẫn thấp hơn tháng 2/2023 (gần 88%).

Qua 8 tháng, nhập khẩu điều thô cũng đạt gần 2,18 triệu tấn, tăng trên 34%, với giá trị trên 2,56 tỷ USD, tăng gần 14%. Thị trường nhập khẩu điều thô chủ yếu từ Bờ Biển Ngà (trên 28,4%), Campuchia (gần 28%)…

So với kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 của Hiệp hội Điều Việt Nam thì lượng nhập khẩu điều thô trên đã vượt trên 21%. Đó còn chưa kể lượng điều nhân được nhập khẩu. Qua 8 tháng, Việt Nam cũng nhập khẩu trên 69.300 tấn điều nhân, tăng 35,7%, với giá trị gần 391,5 triệu USD. Tỷ trọng điều thô nhập khẩu đang chiếm trên 88%, còn điều nhân gần 12%.

Nói về những con số trên, ông Đặng Hoàng Giang, Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, việc nhập khẩu điều tăng mạnh vừa qua thường là nhập khẩu nguyên liệu cho cả năm với vòng quay sản xuất từ 1 – 1,5 năm. Do điều có mùa vụ nên doanh nghiệp phải nhập khẩu điều về sẵn để chế biến.

Bên cạnh đó, việc nhập khẩu tăng, một phần do sản lượng trong nước hạn chế. Cây điều ngày càng bị cạnh tranh mạnh bởi các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như sầu riêng, cà phê…
Khi nguồn cung trong nước thấp, doanh nghiệp phải đi nhập khẩu từ châu Phi, Campuchia…

Theo ông Đặng Hoàng Giang, việc nhập khẩu nhiều điều thô chưa hẳn đã xấu. Bởi, Việt Nam có công nghệ chế biến tốt, làm được sản phẩm giá trị gia tăng. Qua đó tạo được việc làm cho người lao động.

“Nhập khẩu điều thô không phải là vấn đề lớn, nhưng với điều nhân thì đây là sản phẩm nước ngoài đã chế biến. Khi nhập khẩu điều nhân sẽ tạo ra ít giá trị cho ngành điều, ngược lại tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường”, ông Giang cho hay.

Ông Đặng Hoàng Giang cho biết, trước đây ngành điều có tính chất chu kỳ như cao điểm xuất khẩu thường quý III và quý IV. Thị trường Mỹ và EU thường mua mạnh trong quý III và nửa đầu quý IV. Với khu vực Đông Bắc Á, châu Á sẽ kéo dài đến đầu quý I năm sau.

Cuối năm người tiêu dùng thường sẽ chi tiêu dùng nhiều hơn dù kinh tế có khó khăn. Do đó, ngành hàng điều kỳ vọng xuất khẩu sẽ tăng mạnh hơn nữa vào những tháng cuối năm, Hiệp hội Điều Việt Nam cho hay./. (Theo TTXVN)

Việt Nam đang là nguồn cung hạt điều lớn nhất cho Mỹ

7 tháng đã thu 1 tỷ USD, xuất khẩu điều được dự báo sẽ tăng nhờ yếu tố chu kỳ và nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ, EU đang tăng trở lại.

Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại quốc tế, 6 tháng đầu năm 2023, Mỹ nhập khẩu 64.000 tấn hạt điều từ thế giới, trị giá 335,99 triệu USD.

Đáng chú ý, thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ trong 6 tháng năm 2023 đạt 87,17% (giảm nhẹ so với mức 91,61% của cùng kỳ năm 2022), đạt 55.830 tấn, trị giá 317,85 triệu USD.

Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 7/2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 54.670 tấn, trị giá gần 304,4 triệu USD, so với tháng 7/2022 tăng 19,2% về lượng và tăng 12,8% về trị giá. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 334.870 tấn, trị giá 1,94 tỷ USD, tăng 13,3% về lượng và tăng 9,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Hạt điều là một trong những sản phẩm nông sản có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD sau 7 tháng năm 2023.

Việt Nam hiện đang cung cấp khoảng 89 – 90% hạt điều trong tổng số lượng nhập khẩu loại hạt này của Mỹ, là nguồn cung lớn nhất và không thể thay thế hạt điều cho Mỹ. Xuất khẩu điều được dự báo sẽ tăng nhờ yếu tố chu kỳ và nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ, EU đang tăng trở lại. Hiện các nhà máy sản xuất trong nước ký đã được nhiều đơn hàng mới.

Theo Reuters, nhu cầu tiêu thụ hạt điều toàn cầu đạt 9,94 tỷ USD năm 2018 và dự kiến đạt 13,48 tỷ USD năm 2024, với tốc độ tăng trưởng bình quân 5,2% trong giai đoạn 2018 – 2024.  Nhận định này dựa trên nhu cầu ngày càng tăng của thị trường đối với các món ăn nhẹ tốt cho sức khỏe, trong đó có nhu cầu ngày càng tăng từ Liên minh châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, và sự gia tăng của các cơ sở chế biến lớn ở châu Phi. (Theo Báo Dân Việt/Ảnh: Báo Bình Phước)

Cách uống sữa hạt hiệu quả nhất

Bạn nên uống 200-250ml/ lần và mỗi ngày chỉ nên uống tối đa 500ml sữa hạt.

Sữa hạt (hay sữa thực vật) là một thức uống được làm từ các loại hạt giàu chất dinh dưỡng như: yến mạch, hạnh nhân, óc chó, hạt điều, hạt macca… Trong sữa hạt có chứa nhiều dưỡng chất như: protein, chất béo, vitamin, chất xơ và các khoáng chất có lợi cho sức khỏe.

Lượng sữa hạt nên uống mỗi ngày

Để tận dụng các lợi ích của sữa hạt và tránh gây mất cân bằng dinh dưỡng, bạn nên uống 200-250ml/ lần và mỗi ngày chỉ nên uống tối đa 500ml sữa hạt.

Ngoài ra, bạn nên cân nhắc và lựa chọn loại hạt phù hợp với tình trạng cơ thể để phát huy hiệu quả của sữa hạt tốt nhất. Cụ thể:

– Người bị tim mạch thì nên uống sữa hạt được làm từ các loại hạt như: hạt vừng, hạt điều, hạnh nhân, hạt đậu phộng, óc chó,…

– Đối với người bị tiểu đường thì hạt đậu nành và hạt óc chó là 2 loại hạt ưu tiên. Sữa hạt được làm từ óc chó sẽ kích thích cơ thể sản xuất Insulin có lợi cho bệnh nhân tiểu đường.

– Người bị cao huyết áp thì nên sử dụng: sữa gạo lứt, sữa hạt điều, sữa đậu nành, sữa hạt óc chó…

– Bệnh nhân ung thư nên dùng: sữa hạt điều, sữa gạo lứt, đậu đen, óc chó, hạnh nhân…

Những trường hợp không nên uống sữa hạt

Mặc dù có rất nhiều lợi ích nhưng không phải ai cũng nên uống sữa hạt. Một số trường hợp sau đây cần lưu ý trước khi sử dụng sữa hạt: Không nên dùng sữa hạt cho trẻ biếng ăn, nhẹ cân, trẻ suy dinh dưỡng; Trẻ em dưới 5 tuổi không nên cho uống sữa hạt quá thường xuyên. Như vậy sẽ khiến trẻ dễ bị thiếu hụt các vitamin, ức chế hấp thụ canxi, sắt, kẽm… Người có tiền sử bị dị ứng với một số loại hạt cần cẩn trọng khi dùng sữa hạt hoặc không nên uống sữa hạt.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên uống sữa hạt mỗi ngày, tuy nhiên không nên lạm dụng sữa hạt mà chỉ uống lượng vừa phải. Bạn nên cân đối sữa hạt với các thực phẩm khác. Không nên thay thế hoàn toàn sữa động vật bằng sữa hạt sẽ gây mất cân bằng dinh dưỡng.

Bên cạnh việc lưu ý về liều lượng, bạn cũng cần chú ý đến thời điểm uống. Thời gian tốt nhất nên uống sữa hạt là vừa bữa sáng hoặc bữa trưa để giúp kích thích hệ tiêu hóa. Hoặc bạn cũng có thể uống vào sau 2 bữa ăn này như một món tráng miệng. (Theo Báo Công thương)

Nhập khẩu điều thô từ Bờ Biển Ngà tăng trên 60%

Giá nhập khẩu hạt điều giảm mạnh trong 7 tháng đầu năm.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu hạt điều của Việt Nam trong tháng 7/2023 đạt 363.435 tấn với kim ngạch hơn 392,36 triệu USD, tăng 16,1% về lượng và tăng 11,6% về trị giá so với tháng 6/2023. Tính chung trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập hơn 1,72 triệu tấn hạt điều với kim ngạch hơn 2,11 tỷ USD, tăng mạnh 26,5% về lượng và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Giá nhập khẩu bình quân trong 7 tháng đầu năm đạt 1.230 USD/tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong số các nhà cung cấp hạt điều cho Việt Nam, Campuchia là quốc gia Việt Nam nhập khẩu nhiều hạt điều nhất với 587.160 tấn trong 7 tháng đầu năm, giảm 14% về lượng và giảm 23% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý Việt Nam đang tăng mạnh nhập khẩu mặt hàng này từ Bờ Biển Ngà với sản lượng và kim ngạch tăng vọt trong 7 tháng đầu năm. Cụ thể, Việt Nam đã chi hơn 476,9 triệu USD để nhập khẩu 409.093 tấn hạt điều từ Bờ Biển Ngà, tăng 60,18% về lượng và tăng 41,76% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Giá nhập khẩu mặt hàng này từ Bờ Biển Ngà cũng đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.165 USD/tấn, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022. (Theo Nhịp sống thị trường)

Cảnh báo lừa đảo thương mại với doanh nghiệp xuất khẩu

Nhiều Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài như Thụy Điển, Na Uy, Canada… đưa ra cảnh báo cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển cho biết, gần đây xuất hiện tình trạng mạo danh các công ty của Na Uy để lừa đảo các đối tác nước ngoài. Các đối tượng lừa đảo lập website giả danh các công ty xuất khẩu có thật, với đầu mối liên hệ là giả mạo. Thậm chí, có trường hợp, đối tượng lừa đảo tinh vi hơn khi lập hẳn website ngân hàng giả mạo. Lợi dụng tâm lý cho rằng Na Uy là một nước phát triển, hệ thống luật pháp chặt chẽ, các công ty làm ăn đảm bảo uy tín, một số công ty khi thấy hợp đồng có điều khoản hấp dẫn đã tiến hành gấp sợ mất cơ hội và không kiểm tra kỹ thông tin về đối tác… Do đó, các đối tượng xấu đã lừa đảo được nhiều công ty của một số nước, trong đó có Việt Nam.

Tương tự, Thương vụ Việt Nam tại Canada mới đây cũng đã có cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam cần cảnh giác trước nhiều chiêu thức lừa đảo xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này. Theo bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada, hiện nay, một số cá nhân tự tiếp cận hồ sơ đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp lớn, có uy tín cao, có danh tiếng của Canada, tải đăng ký kinh doanh và dùng vỏ bọc của các doanh nghiệp; dùng tên của các chủ doanh nghiệp này để lừa đảo các doanh nghiệp Việt Nam.

Các hình thức lừa đảo phổ biến là: Gọi điện trực tiếp, email (đuôi email miễn phí như gmail, hotmail…) hoặc thông qua các ứng dụng Whatsapp, Viber để gửi hồ sơ đăng ký kinh doanh, tài khoản, số dư, chứng nhận nộp thuế… để xác nhận uy tín; sau đó trao đổi đặt hàng, gửi hợp đồng (thường yêu cầu giá CIF), đóng dấu đầy đủ… 

Ông Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, để hạn chế rủi ro trong thương mại quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam nên chọn hình thức giao dịch đảm bảo an toàn như chỉ định ngân hàng quốc tế có uy tín tại nước nhập khẩu để thu tiền, ký hậu vận đơn (trong trường hợp dùng 1 bộ vận đơn). Nếu thông qua người môi giới, doanh nghiệp cần hiểu rõ địa vị pháp lý của người môi giới để sử dụng đúng, hạn chế rủi ro.

Doanh nghiệp cần thận trọng hơn với doanh nghiệp đối tác mới giao dịch lần đầu, có thể kiểm tra qua bạn hàng cùng hiệp hội ngành nghề. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tìm hiểu đối tác qua sự giúp đỡ của đại sứ quán, thương vụ Việt Nam ở nước sở tại.

“Trong quá trình tư vấn cho các doanh nghiệp, không ít doanh nghiệp không yêu cầu đối tác phải đặt cọc. Đây là điểm bất lợi, doanh nghiệp nên yêu cầu khách mua hàng đặt cọc một số tiền để giảm thiệt hại khi người mua không nhận hàng; thông thường khoảng 10% trị giá lô hàng. Đây là điều khoản hợp lý”, ông Lễ chia sẻ.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến cáo, doanh nghiệp nên thông qua tổ chức đánh giá tín nhiệm hoặc các tổ chức tư vấn doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một phương thức để doanh nghiệp có thể hạn chế rủi ro là thông qua các doanh nghiệp dịch vụ logistics uy tín. Ngoài ra, bản thân doanh nghiệp phải luôn chủ động nâng cao nhận thức thông qua làm việc với các đơn vị tư vấn luật hoặc luật sư trong suốt quá trình kinh doanh, không phải chỉ khi tranh chấp xảy ra.

Đồng thời, doanh nghiệp cần thường xuyên chia sẻ, cập nhật thông tin, nâng cao ý thức cảnh giác với những dấu hiệu bất thường như người mua sử dụng địa chỉ email miễn phí để giao dịch, đưa ra những yêu sách dồn dập, lảng tránh việc gặp mặt và tiếp xúc trực tiếp, đặt mua những lô hàng đầu với số lượng nhỏ và sau đó đột nhiên đặt hàng với số lượng lớn… (Theo Báo Tin tức/Ảnh: Internet)

Bánh Brownie hạt điều thơm ngon

Bánh Brownie được biết đến là một loại bánh mang hương vị đậm đà socola. Cách làm bánh Brownie lại khá đơn giản, không mất nhiều thời gian.

Để làm bánh Brownie thơm ngon và chuẩn vị, bạn cần chuẩn bị 100gr đường trắng, 100gr đường nâu, 70gr bột mỳ số 11, 3 quả trứng, 3ml tinh chất vanilla, 120gr socola đen 76% (có thể thay bằng loại ít socola đen hơn nếu muốn ăn ngọt), 10ml dầu ăn, 10gr bột bắp, 1 nhúm muối.

Bật lò nướng ở nhiệt độ 170 độ C. Trong thời gian chờ lò nướng nóng, đập 3 quả trứng vào một tô lớn, dùng phới hoặc máy đánh trứng đánh bông phần trứng cho đến khi chuyển sang màu vàng nhạt. Kế tiếp, cho chút muối, tinh chất vanilla, bột bắp rồi trộn đều hỗn hợp.

Sau đó, lần lượt cho đường trắng, đường nâu, dầu ăn vào trộn khoảng từ 2 – 3 phút cho đến khi hỗn hợp hoà tan. Tiếp tục thêm chút bột mì, socola đen đã được đun chảy) rồi nhẹ nhàng trộn đều lên. Bạn lưu ý, nếu muốn thành phẩm bánh bông hơn có thể sử dụng máy đánh trứng đánh bột từ 3 đến 5 phút.

Sau khoảng thời gian trên, cho hạt điều đã bẻ vụn từng mẩu nhỏ và trộn nhẹ nhàng để tránh làm ảnh hưởng đến kết cấu bột. Lúc này, nếu muốn thêm socola bên trong bánh Brownie, có thể bổ sung thêm một ít socola chip viên nhỏ (đen hoặc trắng).

Kiểm tra nhiệt độ lò để đảm bảo chúng đạt khoảng 170 độ C, đổ bánh ra khuôn rồi cho vào lò nướng từ 45 đến 55 phút. Sau 45 phút, lấy bánh ra và kiểm tra về độ chín bằng cách lấy tăm chọc vào giữa bánh. Khi nhấc ra, tăm khô không còn dính bột tức là bánh đã chín.

Lấy bánh ra khỏi khuôn và cho ra đĩa để nguội trước khi có thể thưởng thức. Ngoài ra, có thể trang trí thêm một ít kem vani hoặc kem tươi đánh bông lên trên mặt bánh sẽ giúp tạo thêm độ ngọt bùi, béo ngậy. (Tổng hợp/Ảnh: Pixabay)

Hạt điều Indonesia ồ ạt vào Việt Nam với giá rẻ bất ngờ

Nhập khẩu hạt điều từ thị trường Indonesia trong 7 tháng đầu năm tăng 109,2% về lượng và tăng 69,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2023, nhập khẩu hạt điều của nước ta đạt 363.435 tấn với kim ngạch hơn 392,3 triệu USD, tăng 16,1% về lượng và tăng 11,6% về trị giá so với tháng trước đó. Tính chung trong 7 tháng đầu năm, nhập khẩu hạt điều của cả nước đạt hơn 1,73 triệu tấn với kim ngạch 2,11 tỷ USD, tăng mạnh 26,5% về lượng và tăng 6,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Giá nhập khẩu bình quân trong 7 tháng đầu năm đạt 1.229 USD/tấn, giảm 15,7% so với cùng kỳ năm trước.

Nhà cung cấp hạt điều lớn nhất của Việt Nam tiếp tục là Campuchia. Trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi hơn 802,3 triệu USD để nhập khẩu 587.160 tấn hạt điều từ quốc gia này, giảm 14,5% về lượng và giảm 23,47% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, nhập khẩu hạt điều từ thị trường Indonesia ghi nhận tăng vọt so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, nhập khẩu hạt điều từ quốc gia này trong 7 tháng đầu năm đạt 3.881 tấn với kim ngạch hơn 4,7 triệu USD, tăng 109,2% về lượng và tăng 69,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2022, Việt Nam đã chi hơn 36,4 triệu USD để nhập khẩu hạt điều từ Indonesia với sản lượng đạt 27.431 tấn.

Giá nhập khẩu trung bình trong 7 tháng đầu năm đạt 1.212 USD/tấn, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên dù mức xuất khẩu tăng mạnh và giá cả hấp dẫn, thị phần của Indonesia chỉ chiếm hơn 1% về sản lượng trong tổng nhập khẩu của Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là nhà xuất khẩu điều đứng đầu thế giới. 7 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt điều đạt 334.870 tấn, mang về hơn 1,94 tỷ USD, tăng 13,3% về lượng và tăng 9,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu trung bình trong 7 tháng đầu năm đạt 5.805 USD/tấn, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Từ năm 2006, với kim ngạch đạt 520 triệu USD, Việt Nam chính thức là quốc gia xuất khẩu điều số 1 thế giới. (Theo Nhịp sống thị trường)

Mỹ chi hơn 500 triệu USD nhập khẩu hạt điều, là thị trường lớn nhất của Việt Nam

Mỹ chiếm 26,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2022, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 54.675 tấn, trị giá hơn 304,3 triệu USD, giảm 7,5% về lượng và giảm 10,2% về kim ngạch so với tháng 6/2023. Tính chung trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt điều đạt 334.870 tấn, mang về hơn 1,94 tỷ USD, tăng 13,3% về lượng và tăng 9,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu trung bình trong 7 tháng đầu năm đạt 5.805 USD/tấn, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.

Xét về thị trường, Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất của hạt điều Việt Nam. Cụ thể, xuất khẩu hạt điều sang Mỹ trong tháng 7 đạt 14.385 tấn với kim ngạch hơn 79,5 triệu USD, giảm 12,2% về lượng và giảm 15% về trị giá so với tháng 6/2023. Tính chung trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt điều sang Mỹ đạt 88.903 tấn với trị giá hơn 512 triệu USD, tăng 0,7% về lượng và tăng 0,32% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. (Theo Nhịp sống thị trường)

Cục Xuất nhập khẩu: Xuất khẩu hạt điều khởi sắc từ quý III

Cục Xuất nhập khẩu dự báo trong quý III, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sẽ tăng nhờ yếu tố chu kỳ và nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ, EU tăng trở lại. Nhiều doanh nghiệp đã kín đơn hàng đến cuối năm.

Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu  (Bộ Công Thương) cho thấy xuất khẩu  hạt điều của Việt Nam trong quý II đạt 167.930 tấn, tương đương 985 triệu USD, tăng 51% về lượng và tăng 52% về trị giá so với quý I/2023, tuy nhiên xuất khẩu điều quý này lại tăng 16% về lượng và tăng 12% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hạt điều đạt 279.430 tấn, tương đương 1,63 tỷ USD, tăng 12% về lượng và tăng 9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo trong quý III, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sẽ tăng nhờ yếu tố chu kỳ và nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ, EU tăng trở lại. Hiện, các nhà máy sản xuất trong nước ký được nhiều đơn hàng mới và nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này bắt đầu tăng trở lại.

“Hoạt động sản xuất diễn ra sôi động, nhiều đơn vị phải tăng công suất chế biến để kịp các đơn hàng đã ký cho hai quý cuối năm. Việc nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm và tận dụng tốt cơ hội từ thị trường sẽ giúp cho ngành điều Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và bứt phá”, Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo.

Về thị trường, Cục Xuất nhập khẩu cho biết xuất khẩu hạt điều trong quý II sang tất cả khu vực trên thế giới tăng mạnh so với quý I. Trong đó, tốc độ xuất khẩu sang khu vực châu Á tăng mạnh nhất 64%; tiếp đến là xuất khẩu tới châu Mỹ tăng 50%.

Xuất khẩu hạt điều sang hầu hết các thị trường truyền thống và tiềm năng tăng, ngoại trừ Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất. Tốc độ xuất khẩu hạt điều sang các trường Mỹ, Trung Quốc, EU, Anh, Australia, Canada tăng trưởng từ hai đến ba con số.

So với quý II/2022, xuất khẩu hạt điều sang khu vực châu Phi tăng mạnh nhất 21,5%, tiếp đến là châu Đại Dương 18,5%; châu Á tăng 13%. Xuất khẩu hạt điều sang hầu hết thị trường tăng, ngoại trừ Anh, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Isarel. (Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh/Ảnh: CT CP Trình Nguyên Phát)

error: Nội dung và bản quyền thuộc về CTY Cổ Phần Trình Nguyên Phát !!!