Category Archives

Posts in Tin tức category.
Chế biến trái điều thành nhiều sản phẩm tốt thay vì vứt bỏ

Nhờ công nghệ chế biến, trái điều có thể làm ra nhiều sản phẩm dinh dưỡng, tốt cho người dùng; cũng có thể làm thức ăn cho gia súc thay vì đổ bỏ hoặc chỉ dùng một phần làm phân bón.

Trung tâm Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước) đang phối hợp với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) thực hiện dự án sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng từ thịt trái điều.

Làm mứt, bột hòa tan, nước uống

Th.S Đào Tấn Phát, Trường đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, trái điều là loại thực phẩm dễ tiêu hóa, thơm ngọt, chứa nhiều nước, giàu chất khoáng và các vitamin. Trong đó, hàm lượng vitamin C cao gấp 5-6 lần trái chanh, 7-8 lần so với quýt, bưởi và gấp nhiều lần so với chuối.

Tuy nhiên, trái điều lâu nay chưa được tận dụng nhiều vì chất gây chát trong quả tươi. Trường đang kết hợp với Trung tâm Trung tâm Khoa học và Công nghệ của Bình Phước để loại bỏ chất gây chát này.

Đồng thời, nhóm nghiên cứu xây dựng mô hình và thiết bị phù hợp để chế biến trái điều tươi thành các sản phẩm mứt điều sấy dẻo, bột điều hòa tan, và nước uống trái điều.

Th.S Đặng Văn Hà, phụ trách Phòng nghiên cứu ứng dụng của Trung tâm Trung tâm Khoa học và Công nghệ Bình Phước cho biết, dịch chiết từ trái điều có thể sấy thành bột dinh dưỡng.

Bột dinh dưỡng này để làm ra các sản phẩm như trà hòa tan, các loại nước giải khát. Bột điều có ưu điểm là dễ sử dụng, dễ vận chuyển và tăng thời gian bảo quản từ 6-8 tháng.

Hiện nay, các sản phẩm từ phòng thí nghiệm đã cơ bản hoàn thiện. Sản phẩm giữ được vị chua, chát nhẹ và mùi hương đặc trưng của trái điều. Bước tiếp theo, nhóm nghiên cứu sẽ chế biến trên quy mô lớn.  

Chế biến trái điều ở Trung tâm Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước. Trái điều sau khi thái mỏng được đem đi sấy. Ảnh: Hiền Lương

Điều là một trong những cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Bình Phước. Theo những người trồng điều, nếu 1 ha điều cho thu hoạch trung bình khoảng 2 tấn hạt sẽ có khoảng 6-7 tấn trái tươi.

“Vì thế, việc nghiên cứu quy trình sơ chế, bảo quản cũng như phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm từ trái điều sẽ nâng cao giá trị cho ngành điều”, Th.S Hà chia sẻ.

Làm thức ăn cho gia súc

TS. Đoàn Vĩnh, Phân viện chăn nuôi Nam Bộ cho biết, trái điều sau khi lấy hạt, thường loại bỏ phần thịt trái. Việc tận dụng trái điều sau thu hoạch vừa tăng nguồn thức ăn cho gia súc trong những tháng mùa khô, vừa tăng hàm lượng dinh dưỡng cho vật nuôi, cụ thể là nuôi bò.

Tuy nhiên, trái điều để lâu bên ngoài sẽ lên men rượu, dễ thối rữa, khó bảo quản. Khi đã lên men, bò ăn vào dễ bị ngộ độc methanol.

Vì thế, Phân viện chăn nuôi Nam Bộ đã nghiên cứu bảo quản trái điều để bò ăn được lâu dài mà vẫn giữ được hàm lượng dinh dưỡng, nhất là lượng đường.

Phân viện dùng trái điều làm nguyên liệu chính, phối trộn với rơm, bã cây bắp, xác khoai mì đem ủ lên men. Thức ăn lên men sẽ thay thế một phần thức ăn thô xanh trong khẩu phần.

Với phương pháp này, gia súc không chỉ ăn thức ăn đơn mà thức ăn phối trộn với hàm lượng chất sơ, protein, đường và các vitamin cao giúp cân đối dinh dưỡng, gia súc tăng trọng nhanh trong chu kỳ nuôi.(Theo Thế giới Tiếp thị)

Bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ngành điều

Ngày 4-5, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho biết liên quan đến kiến nghị khẩn cấp của ngành điều, Cục Phòng vệ Thương mại – Bộ Công Thương đã trao đổi trực tiếp và lên kế hoạch làm việc trực tiếp với Vinacas nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ngành điều.

Trước đó, ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, cho biết đã xin số liệu từ hải quan về nhập khẩu điều nhân gia tăng đột biến, ảnh hưởng đến ngành sản xuất trong nước theo phản ánh của Vinacas.

Theo Vinacas, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2023 đã có hơn 10.158 tấn điều nhân được nhập khẩu và năm 2022 có 78.583 tấn được vào Việt Nam. Điều này xuất phát từ chính sách của Việt Nam miễn thuế nhập khẩu điều các loại trong khi các nước châu Phi miễn thuế xuất khẩu điều nhân nhưng đánh thuế xuất khẩu điều thô. (Theo NLĐ)

Quy định mới của EU về dư lượng hóa chất nông sản

Ngày 03/3, Ủy ban Châu Âu (EC) ban hành quy định mới số  (EU) 2023/466 sửa đổi Phụ lục II, III và V của Quy định (EC) số 396/2005 của Nghị viện và của Hội đồng Châu Âu liên quan đến mức dư lượng tối đa (MRL) đối với hoạt chất isoxaben, novaluron và tetraconazole trong hoặc trên một nông sản, thực phẩm.

Cụ thể, quy định áp dụng với các nhóm rau, củ, quả tươi và đông lạnh; nhóm các loại hạt, điều, cà phê, chè, nhóm  sản phẩm gia vị, ngũ cốc, hạt có dầu và sản phẩm động vật trên cạn, thịt các loại, trứng sữa, mật ong…

Theo đó, mức dư lượng tối đa các hoạt chất trên các loại sản phẩm khác nhau từ 0,01 mg/kg. Tuy nhiên, Liên minh châu ÂU (EU) cũng đưa ra mức quy định dư lượng tối đa của một trong các hoạt chất trên từ 0,05 mg/kg, 0,07 mg/kg, thậm chí 1,5 mg/kg trong các nhóm sản phẩm như: Rau, củ rau gia vị, thịt và nội tạng động vật.

Quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày 26/9/2023./. (Theo Bộ Công thương)

Ngành điều Việt Nam hướng đến sản xuất và tiêu thụ xanh

Mặc dù ngành chế biến và xuất khẩu điều được cảnh báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 nhưng các doanh nghiệp vẫn còn nhiều cơ hội để tăng vị thế xuất khẩu.

Ông Marc RosenBlatt, Đại diện công ty The Richard Franco Agency (Mỹ), cho biết người tiêu dùng Mỹ và châu Âu rất chú trọng đến an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn môi trường sản xuất khi quyết định lựa chọn một sản phẩm để bỏ vào giỏ hàng. Đồng thời, người tiêu dùng tại 2 thị trường này cũng rất thích sử dụng hạt điều, bởi hàm lượng dinh dưỡng có trong hạt. Việc lựa chọn các loại hạt từ trồng trọt để bổ sung lượng protein cho cơ thể luôn luôn tốt hơn khi lựa chọn nguồn đạm động vật. Vì vậy, dù khó nhưng ngành điều vẫn còn có cơ hội nếu cả doanh nghiệp lẫn nông dân hướng đến sản xuất xanh để cung ứng cho tiêu dùng quốc tế. Do đó, hạt điều sạch, an toàn môi trường sẽ luôn được ưu tiên lựa chọn đối với giới trẻ châu Âu lẫn châu Á.

Hiện hạt điều đang ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tiêu dùng các loại hạt của người tiêu dùng thế giới.

Với lợi thế thấy được từ trong khó khăn, ngành điều đặt mục tiêu xuất khẩu trong năm 2023 là 3,1 tỷ USD, tuy giảm hơn so với năm 2022, nhưng cũng là một thử thách lớn cho toàn ngành.

Là địa phương đi đầu cả nước trong sản xuất điều. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước, hiện nay tỉnh Bình Phước có hơn 3.200ha điều hữu cơ, được cấp giấy chứng nhận hữu cơ của Mỹ và tiêu chuẩn Fair Trade của châu Âu, 15/22 sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh xuất từ hạt điều./. ​​​​​​(Theo TTXVN)

Xuất khẩu điều sang Trung Quốc, Anh, UAE và Iraq tăng

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho hay, xuất khẩu điều của Việt Nam trong tháng 1/2023 đạt xấp xỉ 27,27 nghìn tấn, trị giá 155,8 triệu USD, giảm 41,9% về lượng và giảm 42,1% về trị giá so với tháng 12/2022, so với tháng 1/2022 giảm 31,4% về lượng và giảm 33,8% về trị giá.

Tháng 1/2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.714 USD/tấn, giảm 0,3% so với tháng 12/2022 và giảm 3,7% so với tháng 12/2022. Tháng 1/2023 so với tháng 12/2022, xuất khẩu hạt điều sang hầu hết các thị trường chủ lực giảm, ngoại trừ Iraq. So với tháng 1/2022, xuất khẩu hạt điều sang nhiều thị trường giảm, nhưng xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Anh, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Iraq tăng. (Tổng hợp)

“Nói tới hạt điều, nghĩ đến Việt Nam”

Sau nhiều lần trì hoãn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Hội nghị Điều Quốc tế Việt Nam lần thứ 12 diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 26 – 28/3/2023 với chủ đề “Nói tới hạt điều, nghĩ đến Việt Nam”.
Hội nghị lần thứ 12 chính thức khai mạc vào sáng ngày 27/2/2023 với trên 350 đại biểu đến từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới thuộc các lĩnh vực trong ngành điều, như sản xuất, kinh doanh điều thô, xuất nhập khẩu điều thô và điều nhân, chế biến, kinh doanh siêu thị, chế tạo máy móc, thiết bị, môi giới, ngân hàng và những người quan tâm… đăng ký tham dự.  

Hội nghị lần thứ 12 là cơ hội gặp gỡ, duy trì và phát triển mối quan hệ giữa nhà sản xuất – nhà chế biến – nhà xuất khẩu – nhà nhập khẩu – nhà bán buôn, bán lẻ – người làm dịch vụ – nhà chế tạo máy móc, thiết bị…
Hội nghị lần thứ 12 sẽ tổ chức các buổi tọa đàm chuyên đề về sản xuất, kinh doanh điều hướng đến những vấn đề mà ngành điều Việt Nam và thế giới quan tâm.

Hội nghị còn diễn ra những cuộc gặp gỡ song phương giữa các DN trong ngành; lễ ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa Hiệp hội Điều các nước… Đây là cơ hội cho những DN hàng đầu của ngành điều Việt Nam và các nước có những thương vụ điều hiệu quả nhất; tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư giữa DN Việt Nam với đối tác các nước cũng như tìm kiếm mối quan hệ hợp tác lâu dài với các siêu thị, đầu mối bán lẻ trong và ngoài nước. Cũng thông qua gặp gỡ, trao đổi tại Hội nghị, những khó khăn, vướng mắc trong giao thương thời gian trước cũng sẽ được giải quyết. (Theo bản tin VINACAS)

error: Nội dung và bản quyền thuộc về CTY Cổ Phần Trình Nguyên Phát !!!